Laocaitv.vn - Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các cây, con chủ lực, huyện Bảo Thắng cũng đang tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển thủy sản - ngành nghề được đánh giá là có thế mạnh và nhiều tiềm năng để phát triển ở địa phương.
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Phú Hải 3, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, đã chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá bỗng, một trong 5 loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thời gian nuôi tuy lâu hơn các loại cá khác, nhưng đang được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Anh Dũng cho biết: "Môi trường nước ở đây cũng thích hợp để nuôi cá bỗng. Tôi nghe thông tin trên thị trường giá cá bỗng từ 250.000 - 300.000 đồng/kg".
Anh Dũng đầu tư nuôi cá bỗng - loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao thay cho cách nuôi cá truyền thống trước đây.
Thị trấn Nông trường Phong Hải là địa bàn trọng điểm về phát triển thủy sản của huyện Bảo Thắng. Bình quân mỗi năm, thị trấn đang xuất bán ra thị trường hơn 1.000 tấn cá thương phẩm, mang lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm nuôi thâm canh, bà con đang dần chuyển đổi từ mô hình nuôi cá truyền thống sang các loài cá đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao hơn như cá chiên, cá quả, chép giòn, chép lai…
Anh Nguyễn Văn Hợp, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết: "Hợp tác xã cũng có những định hướng phát triển mang tính chiều sâu hơn, như cá thương phẩm bây giờ sẽ nâng cao hiệu suất và giá trị sản phẩm lên, thứ nhất là nuôi cá lăng đuôi đỏ, cá lăng chấm; thứ hai là chuyển đổi những khu vực có hệ thống tốt để nuôi cá chép giòn".
Ngành nghề thủy sản được đánh giá là có thế mạnh và nhiều tiềm năng để phát triển ở Bảo Thắng.
Huyện Bảo Thắng hiện có 860 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tăng hơn 100 ha so với năm 2020, sản lượng trung bình mỗi năm đạt hơn 5.000 tấn, đem lại nguồn thu cho người dân trên 200 tỷ đồng. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nuôi cá theo hướng an toàn sinh học, huyện còn chú trọng liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Thắng cho biết thêm: "Tổ chức liên kết với người dân từ khâu cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi cũng như hướng dẫn kỹ thuật; bên cạnh đó là liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các mặt hàng sản phẩm cá của Bảo Thắng đã được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác".
Cá chép lai của huyện Bảo Thắng đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đây cũng là điều kiện để địa phương tiếp tục mở rộng ngành nghề thủy sản, đầu tư, chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương.
Thế Long - Thành Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết