Kỳ 1: Khi những vi phạm về bảo vệ môi trường trở nên phổ biến.
Với đặc thù là khu công nghiệp chuyên sản xuất hoá chất, chịu những tác động cộng hưởng do hoạt động của các nhà máy đồng loạt phát thải, Khu công nghiệp Tẳng Lỏong – đóng trên địa bàn huyện Bảo Thắng đang trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm nước thải, khí thải, chất thải rắn, rồi khói bụi, tiếng ồn…. tất cả đều đang tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân quanh khu vực, nhưng tháo gỡ thế nào vẫn còn là vấn đề vô cùng nan giải?
Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem, đơn vị chuyên sản xuất phân bón, sau gần 3 năm hoạt động, mặc dù công suất mới đạt từ 30 đến 40%, thậm chí có thời gian dài tạm ngừng sản xuất, nhưng đơn vị này đã liên tục để xảy ra các lỗi về bảo vệ môi trường, bị ngành chức năng xử phạt. Điển hình là năm 2015, Công ty bị phạt 400 triệu đồng do để xảy ra sự cố làm bục zoang cao su trong quá trình bơm vận chuyển NH3 vào bồn chứa gây rò rỉ ra môi trường; Năm 2016, Công ty cũng bị phạt 260 triệu đồng do hành vi xả thải nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH. Mới đây nhất, đầu năm 2017, Công ty CP DAP số 2 tiếp tục bị phạt với số tiền 300 triệu đồng vì vi phạm để xảy ra sự cố bục đường ống bơm hồi lưu nước thải bãi gyps. Đáng chú là để xảy ra sự cố, hay nói cách khác là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Lỏong không chỉ riêng DAP số 2, mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại đây cũng đã xảy ra vi phạm, bị kiểm tra, xử phạt. Nguy hiểm là không ít vi phạm liên quan đến sự cố hoá chất, để lại hậu quả khá nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng khiến kiện, phản ánh, những bức xúc của người dân liên tục được gửi lên chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành chức năng của tỉnh.
Trên thực tế, hiện tượng cây trồng bị táp lá, phát triển không bình thường, lúa bị khô trắng, cá chết, hay nguồn nước bị ô nhiễm do hiện tượng rò rỉ từ bãi thải gyps (khu vực lưu trữ chất thải rắn) của một số công ty đang hoạt động tại Khu công nghiệp Tằng Lỏong gần như năm nào cũng xảy ra, và mức độ thì ngày càng nghiêm trọng hơn. Một ví dụ cụ thể là trong quy hoạch, Công ty Cổ phần DAP số 2 được sử dụng bãi thải rắn trong 5 năm, tuy nhiên, mới qua 3 năm hoạt động cầm chừng, nhưng bãi chứa thải của Công ty hiện đã đầy, một số đoạn đập chứa có nguy cơ sạt, tràn, trời mưa nước tràn ra môi trường, chưa kể hệ thống lót chống thấm không đảm bảo, dễ gây hiện tượng thẩm thấu vào mạch nước ngầm. Hiện bờ bao của bãi thải có thể vỡ hoặc tràn bất cứ thời điểm nào.
Tuy nhiên, DAP số 2 chỉ là 1 trong số nhiều công ty, doanh nghiệp được ngành chức năng xác định là để xảy ra các lỗi vi phạm bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Lỏong trong thời gian qua. Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, trên tuyến mương chảy từ Nhà máy gang thép Việt – Trung xả ra môi trường, xuất hiện nguồn nước màu đen kịt, chảy với lưu lượng lớn, tràn vào khu vực ruộng sản xuất của bà con nhân và vào lưu vực suối Trát. Theo các hộ dân sống gần con mương này thì đây không phải lần đầu tiên nguồn nước chảy từ nhà máy ra môi trường có hiện tượng này. Như vậy, việc lúa bị vàng lá, chết hoặc có bông nhưng lép hạt nguyên nhân chính là từ nguồn nước ô nhiễm theo cách lý giải của nhân dân khu vực này là có cơ sở.
Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Tằng Loỏng có tổng diện tích 1 nghìn 100 ha, đến nay, 26 dự án sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đang hoạt động. Theo ngành chức năng, bất cập lớn nhất là khó khăn về nguồn vốn nên cơ sở hạ tầng phục vụ cho bảo vệ môi trường tại khu vực này chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trong khi đó, mỗi ngày môi trường tại đây chịu sự cộng hưởng từ 3 nguồn thải chính gồm: khí thải, chất thải rắn và nước thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy. Theo ước tính, mỗi năm Khu công nghiệp Tằng Loỏng thải ra môi trường gần 6 triệu tấn chất thải rắn, do hầu hết là chất thải nguy hại tới mạch nước ngầm cũng như môi trường đất, nhưng điều đáng quan ngại là hiện vẫn chưa có giải pháp xử lý. Các doanh nghiệp hầu hết sử dụng đất trong khuôn khổ dự án của mình để làm bãi chứa tạm bằng hình thức chôn lấp hoặc lộ thiên; và thực tế thì đã xảy ra tình trạng vỡ bờ bao chứa chất thải rắn, nước tràn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường. Đối với lượng khí thải, theo quan trắc, các nhà máy thải ra môi trường khoảng 1,7 triệu m3/h. Việc thu gom nước thải của các nhà máy hiện chưa được đảm bảo, một số doanh nghiệp báo cáo là đã vận hành liên hoàn, tái sử dụng nước thải trong quá trình sản xuất, nhưng tình trạng chảy tràn bề mặt, xả thải khi trời mưa vẫn xảy ra… Bên cạnh đó là ô nhiễm về khói bụi, tiếng ồn do sản xuất cũng như lưu thông hàng ngay của các xe có tải trọng lớn chở quặng, nguyên vật liệu khiến cho môi trường khu vực Thị trấn Tằng Loỏng luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, sản xuất của người dân.
Như vậy, giải pháp nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, đây thực sự là bài toán khó đặt ra không chỉ đối với ngành chức năng, chính quyền sở tại mà còn là thách thức đối với tỉnh Lào Cai trong mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung này chúng tôi tiếp tục đề cập trong chương trình thời sự được phát vào giờ này ngày mai, mời quý vị và các bạn cùng quan tâm lắng nghe./.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết