Laocaitv.vn - Cứ vào mùa thu hoạch sắn, các cơ sở chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện Bảo Yên lại bắt đầu hoạt động rầm rộ trở lại… Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 6 cơ sở sản xuất tinh bột sắn, trung bình mỗi ngày các cơ sở này chế biến từ 4 - 5 tấn sắn tươi. Mặc dù thời gian sản xuất, chế biến chỉ từ 1 - 2 tháng/năm, song ô nhiễm môi trường từ chất thải gồm bã sắn, nước trong quá trình chế biến xả ra ngoài kênh mương, sông suối không qua xử lý môi trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sống trong khu vực.
Tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên hiện có 2 cơ sở sản xuất tinh bột sắn. Mặc dù hoạt động chế biến đã ngừng hơn 1 tháng, tuy nhiên mùi hôi từ bã sắn, nước thải các bể chứa vẫn bốc lên nồng nặc....
Hiện, trên địa bàn huyện Bảo Yên có 6 cơ sở sản xuất tinh bột sắn.
Trên thực tế, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở chế biến tinh bột sắn trên địa huyện Bảo Yên thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại và chưa được giải quyết dứt điểm. Phần lớn các cơ sở này mang tính nhỏ lẻ, chỉ chú trọng đầu tư phát triển sản xuất mà chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Kèm theo đó là hoạt động sản xuất cũng theo hướng tự phát chưa có tính bền vững. Điều đáng nói là những bất cập vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Việc xử lý môi trường tại các đợn vị này hết sức chậm trễ. Đây là thách thức không nhỏ của chính quyền các địa phương.
Với quy mô sản xuất nhỏ, thiết bị sản xuất không đồng bộ nên những cơ sở này đã tác động xấu đến môi trường.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, UBND huyện Bảo Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật; không xả nước thải, chất thải chưa được xử lý ra môi trường. Trong năm 2019, UBND huyện đã kiên quyết xử lý, buộc nhiều cơ sở sản xuất chế biến tinh bột sắn không đảm bảo vệ sinh môi trường phải đóng cửa.
Nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp ra môi trường.
Chế biến tinh bột sắn đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Tuy vậy, với quy mô sản xuất nhỏ, thiết bị sản xuất không đồng bộ nên hoạt động sản xuất của những cơ sở này đã tác động xấu đến môi trường. Để phát triển bên vững, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn nâng cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị nhằm nâng cao công suất chế biến, chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất trong sản xuất, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải.
Tiến Dũng – Thế Văn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết