Laocaitv.vn - Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), nhiều sản phẩm của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai đã được cấp sao OCOP. Sản phẩm nhiều, đa dạng, phong phú nhưng vấn đề về sản lượng và duy trì chất lượng, nâng tầm sản phẩm lại cần được tính tới để chương trình thực sự bền vững, tạo cơ hội giúp các xã nông thôn mới hướng tới đạt chuẩn ở các cấp độ cao hơn.
Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn của HTX Tả Phìn Xanh ở thị xã Sa Pa là sản phẩm du lịch duy nhất của tỉnh Lào Cai tính đến thời điểm hiện tại đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. Trên cơ sở hoạt động kinh doanh cũ, HTX đã mở rộng, nâng cấp chuỗi dịch vụ. Với diện tích khoảng một ha, Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn có khu phòng nghỉ cho du khách; khu lễ tân, quầy bar; khu sản xuất hàng thổ cẩm; khu sử dụng dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ; khu trồng dược liệu, nông sản với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Nhờ phát triển du lịch trên nền bản sắc văn hóa, thân thiện với thiên nhiên nên dịch vụ du lịch của HTX Tả Phìn Xanh đã được nhiều người biết tới, có nhiều thời điểm khách ở kín các phòng nghỉ.
Theo chia sẻ của ổng Trần Chí Thành, Giám đốc HTX Tả Phìn Xanh, từ khi được chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh, sức lan tỏa của thương hiệu Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn rất lớn, được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn là điểm đến trong hành trình du lịch của họ. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ ngày càng được HTX chú trọng nâng cao để phục vụ du khách tốt hơn.
Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn luôn thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Cũng là tỉnh nằm trong khu vực niềm núi phía Bắc, Bắc Kạn là địa phương có số sản phẩm đạt sao OCOP nhiều nhất khu vực với 105 sản phẩm. Con số này đã minh chứng cho một địa phương biết khai thác thế mạnh văn hóa vùng miền để nâng tầm sản phẩm. Đồng thời, đánh dấu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện chương trình lớn của quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Bắc Kạn chủ yếu phát triển nông lâm nghiệp, vì thế, khi có Chương trình OCOP cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; đặc biệt là cán bộ trực tiếp triển khai chương trình đã xuống địa phương tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX lựa chọn ý tưởng sản phẩm để triển khai, từ đó mới phát triển các sản phẩm OCOP”.
Các tỉnh miền núi phía Bắc được biết đến là khu vực có nhiều nét văn hóa bản địa, nhiều sản phẩm đặc trưng. Vậy nhưng, đây lại là khu vực bị chia cắt lớn nên mỗi sản phẩm đòi hỏi số lượng lớn, mang tính hàng hóa cao là khó thực hiện được. Cũng do địa hình nên việc đưa các sản phẩm đạt sao OCOP đến các trung tâm lớn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Lai Châu có đến 6 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước nhưng hiện đã có 23 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm này vượt gần 500 km về thành phố Hà Nội là trở ngại lớn, đội giá sản phẩm lên cao và số lượng cho mỗi sản phẩm cũng không nhiều.
Với trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và tập thể thực hiện, Chương trình OCOP được coi là động lực mới cho phát triển kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc công nhận các sản phẩm đạt sao OCOP là bước tiến dài của các địa phương trong 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, nhằm chuẩn hóa các sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Từ đó, giúp các cơ sở sản xuất đi đúng hướng, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng hơn, tạo được uy tín đối với người dân.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết