Laocaitv.vn - Sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch là yếu tố quyết định đến chất lượng nông sản. Đây là khâu đang được tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện nhằm đảm bảo cho chuỗi nông sản hoạt động liên hoàn, gia tăng giá trị thu nhập cho cả nông dân và đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Dây chuyền sản xuất chè khô.
Gần đây, mạng lưới cơ sở chế biến bảo quản sau thu hoạch đã được hình thành góp phần gia tăng giá trị hàng nông sản theo chuỗi giá trị. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4.921 cơ sở chế biến nông, lâm sản, trong đó có 90 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), chiếm 1,83%; 4.831 hộ cá thể chiếm 98,17% cơ sở chế biến nông sản. Hoạt động chế biến, bảo quản nông, lâm sản đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 9 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 3.500 nghìn đồng/người/tháng. Một số sản phẩm của Lào Cai sau khi chế biến đã trở thành hàng hóa tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu như gạo Séng cù, tương ớt, chè, chuối, dứa, tinh dầu quế..., với sản lượng và giá trị ngày một tăng.
Với tiềm năng cũng như thực tế sản xuất nông, lâm sản của nông dân trong tỉnh cho thấy, một số HTX năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc liên kết sản xuất để tạo vùng hàng hóa chậm; liên kết vùng, liên kết khu vực chưa được mở rộng; nhiều sản phẩm được chứng nhận sản xuất an toàn theo chuỗi nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Mạng lưới sơ chế, chế biến được hình thành nhưng quy mô còn nhỏ, chủ yếu sơ chế sản phẩm thô; một số cơ sở dây truyền chế biến còn lạc hậu, công suất nhỏ; mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phong phú; việc tiếp cận các thông tin thị trường, xúc tiến thương mại còn hạn chế. Vì vậy, trong giai đoạn tới, nông nghiệp Lào Cai cần tạo khâu đột phá, đáp ứng được yêu cầu về năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường./.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết