Cần hướng phát triển bền vững cho cây dược liệu

11:01 27-10-2020 | :723

Laocaitv.vn - Trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, nâng cao mức thu nhập cho bà con Nhân dân, thời gian qua, cấp ủy chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đã khuyến khích nông dân tập trung vào những hướng phát triển kinh tế mới, dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó, cây dược liệu đang được địa phương này quan tâm đầu tư, với kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con nông dân. Tuy vậy, để phát triển bền vững các loại cây dược liệu thì Ngũ Chỉ Sơn vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Xã Ngũ Chỉ Sơn hiện có khoảng 50 ha cây dược liệu.

Những năm gần đây, với người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa thì các vườn dược liệu được coi là "kho báu" của họ. Những loại cây như tam thất hoang, cây rắn cắn…giờ không chỉ là những cây thuốc để chữa bệnh, mà còn là nguồn thu nhập của bà con nơi đây.

Từ khi nhận thức được giá trị của những loại cây dược liệu vốn quen thuộc, bà con Nhân dân đã quan tâm nhiều hơn tới việc bảo tồn và nhân rộng các mô hình trồng cây thuốc quý. Ngoài việc bảo tồn các giống cây thuốc sẵn có, thì người Dao ở Ngũ Chỉ Sơn cũng đã bắt tay vào canh tác các loại cây dược liệu có trong bài thuốc tắm truyền thống của đồng bào dân tộc mình. "Năm trước tôi không đăng ký trồng, nhưng thấy hàng xóm trồng hiệu quả thì tôi cũng đăng ký. Sau khi tìm hiểu tôi được biết trồng cây dược liệu mất 1 năm mà thu được từ 5 - 10 năm, vì vậy nên tôi cũng thích trồng", chị Lý San Mẩy, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ.

Người dân tiến hành thu hoạch cây chù dù để nấu tinh dầu.

Và niềm tin ấy phần nào đã được chứng minh, khi cây dược liệu đang dần trở thành 1 loại cây trồng mang thu nhập ổn định cho bà con Nhân dân nơi đây. Những ngày này, người dân Ngũ Chỉ Sơn đang tiến hành thu cây chù dù để nấu tinh dầu. Và lò nấu ở thôn Can Hồ Mông ngày đêm đỏ lửa để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, niềm vui mùa thu hoạch của bà con có phần nào vơi bớt, khi những vườn dược liệu đã bắt đầu ra hoa, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nếu không thu hoạch kịp. Nguyên nhân là do diện tích cây dược liệu, nhất là cây chù dù khá lớn, trong khi việc thu mua và nấu tinh dầu còn chậm, không thu hoạch kịp thời.

"Năm nay thì mưa nhiều, cây cũng chết nhiều nên không đạt được như năm ngoái, nhưng vẫn hơn được cây lúa, cây ngô. Năm ngoái thì họ mua rất nhanh, nhưng năm nay thì chậm, một số thì ra hoa, một số thì bị chết mà nấu thì không kịp, cũng mong chính quyền hỗ trợ nấu cho bà con để không bị thiệt hại", anh Lý A Nính, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết.

Hiện, việc thu mua và nấu tinh dầu còn gặp nhiều khó khăn.

Do có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi nên cây dược liệu trồng tại Ngũ Chỉ Sơn sinh trưởng và phát triển khá tốt. Hiện, tổng diện tích cây dược liệu của xã có 50 ha, trong đó có 30 ha chù dù, 10 ha cây ngải cứu, các loại cây dược liệu khác có khoảng 10 ha. Theo kế hoạch, xã sẽ  trồng mới vào cuối năm 2020 là 12 ha chù dù. Cấp ủy chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn cũng nỗ lực kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của bà con Nhân dân. Địa phương đã ký hợp đồng kinh tế với HTX cộng đồng Dao đỏ Tả Phìn và Công ty Napro thực hiện cam kết tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu cho Nhân dân xã Ngũ Chỉ Sơn. Tuy nhiên, các liên kết cần chặt chẽ và mở rộng hơn, những khó khăn trước mắt cần được quan tâm tháo gỡ, để đảm bảo thu nhập cho người dân, giúp bà con thêm tin tưởng vào hướng phát triển bền vững từ cây dược liệu.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết