Chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư

09:01 13-05-2023 | :630

Laocaitv.vn - Chăn nuôi là một ngành quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển bền vững, cần xử lý thật tốt chất thải từ vật nuôi, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước.

 

Nước có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối trong tuyến mương dẫn nước của thôn Làng Bông.

Những hình ảnh này được chúng tôi ghi lại tại thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng vào chiều ngày 10/5. Tuyến mương dẫn nước của thôn, nước có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối. Người dân Làng Bông khẳng định, mương nước ô nhiễm như vậy là do các hộ chăn nuôi ở đây khi xử lý chất thải vật nuôi và vệ sinh chuồng trại xả trực tiếp ra môi trường. Bà Nguyễn Thị Mềm, thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: “Cứ chiều từ 5h trở đi, các nhà rửa chuồng, thải ra suối, gia đình nhà tôi toàn phải đóng cửa, không dám mở cửa, lúc nào chiều đến cũng phải đóng cửa, vì quá ô nhiễm. Chúng tôi nói đây là thực tế, bức xúc này của rất nhiều người dân, không phải một hai hộ ở đây”.

Thôn Làng Bông có khoảng 200 hộ dân thì có hơn trăm hộ đầu tư chăn nuôi. Trong đó quy mô lớn có 7 hộ, còn chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa. Mặc dù chăn nuôi là kế sinh nhai của nhiều hộ dân ở đây và cũng mang lại sự no ấm, đổi thay của Làng Bông. Nhưng không phải chủ trang trại, gia trại nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý chất thải vật nuôi và trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Anh Phạm Văn Trường, thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: “Tất nhiên vẫn xả thải ra, để mà hót hết tôi không hót hết được, nhưng vẫn làm sao cho sạch. Chuồng lúc nào bẩn tôi đều phải rửa chuồng”.

Chính quyền cơ sở cần có biện pháp xử lý kiên quyết với vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra.

Địa phương cũng đã thấy rõ tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, cùng với tuyên truyền, vận động là nhắc nhở, yêu cầu các hộ có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, địa phương cũng có những khó khăn nhất định. Ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: "Việc xử lý các hộ chăn nuôi xả thải ra môi trường, theo quy định đối với cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, nghị định đã có nhưng lực lượng cán bộ mỏng, nếu chúng ta xử lý thẳng thắn không cho chăn nuôi nữa thì người dân sinh kế bằng cái gì. Đây cũng là bài toán khó khăn với xã".

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đưa nghề chăn nuôi phát triển bền vững ở Xuân Quang, người chăn nuôi phải thực hiện các giải pháp xử lý chất thải hiệu quả, chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Chính quyền cơ sở cần có biện pháp xử lý kiên quyết với những trường hợp cố tình vi phạm. 

Tiến Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết