Chuyển đổi cây trồng trên nương chuối kém hiệu quả

21:00 27-04-2021 | :410

Laocaitv.vn - Cây chuối ở huyện vùng cao Mường Khương đã được cư dân hai bên biên giới chia sẻ kỹ thuật canh tác từ khoảng 20 năm nay. Canh tác lâu 1 loại cây trồng đã phát sinh nhiều sâu bệnh gây hại cũng như làm đất bị bạc màu. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng là cần thiết để nông dân vẫn đảm bảo thu nhập và khai thác hiệu quả diện tích đất của gia đình.

Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng chuối, gia đình anh Lục Văn Quý ở thôn Pặc Bo, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã canh tác được 4 ha. Tất cả giống, phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh đều được mua từ Trung Quốc. Hai năm nay, một phần diện tích đã được chuyển sang trồng dứa. Anh Quý dự định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích chuối kém hiệu quả sang trồng dứa, nhất là khi nhà máy dứa trên địa bàn Mường Khương đi vào hoạt động và thu mua với giá ổn định. "Trồng chuối chăm cũng không vất vả nhưng có nhược điểm là hay sâu bệnh và giá cả không ổn định. Bà con đại đa số chuyển sang trồng dứa nhiều vì bây giờ có nhà máy ở trên này", anh Lục Văn Quý cho biết.

Anh Quý đang chuyển đổi dần diện tích trồng chuối kém hiệu quả sang trồng dứa.

Hai cây trồng chủ lực đang được huyện Mường Khương khuyến cáo nông dân thay thế trên diện tích trồng chuối kém hiệu quả là cây dứa và cây chè. Trồng dứa, chỉ một năm nông dân đã được thu hoạch; trồng chè sẽ cho thu hoạch kéo dài đến vài chục năm.

Theo ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết, diện tích cây chuối bị bệnh Panama có nhưng không nhiều, chủ yếu do nông dân thâm canh, canh tác lâu ngày nên hiệu quả không cao, vì vậy người dân đã chủ động chuyển sang cây trồng khác. Chính quyền địa phương cũng tập trung tuyên truyền người dân trồng những loại cây có đầu ra ổn định như cây dứa và chè.

Bản Lầu và Lùng Vai là 2 xã của Mường Khương đang tích cực chuyển đổi diện tích chuối kém hiệu quả sang các cây trồng chủ lực khác; trong đó, xã Bản Lu đã chuyển 200 ha, xã Lùng Vai 50 ha. Thực tế, qua nhiều năm canh tác, cây chui đã già cỗi. Hơn nữa, gần đây, một số diện tích đã bị nhiễm bệnh. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng là cần thiết để ổn định thu nhập cho các hộ nông dân.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết