Chuyển đổi mô hình chăn nuôi trong điều kiện giá lợn hơi chưa có dấu hiệu phục hồi

09:39 02-11-2017 | :872

(Laocaitv.vn) - Đã hơn 1 năm tính từ từ điểm lợn hơi rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm, đến nay, giá thị trường của mặt hàng thực phẩm chủ lực này vẫn ở mức thấp hơn so với giá thành. Hy vọng của người chăn nuôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lợn hơi ngày càng trở nên mong manh khi nguồn cung vẫn khá dồi dào, trong khi xuất khẩu khá trầm lắng. Như vậy, chuyển đổi mô hình kinh tế, làm thế nào để quy mô kinh tế hộ nông thôn không chỉ phụ thuộc vào chăn nuôi lợn là giải pháp rất cần được cân nhắc lúc này.

Mặc dù là mô hình kinh tế tổng hợp gồm: Chăn nuôi gà, lợn và phát triển kinh tế rừng, tuy nhiên, từ nhiều năm qua, gia đình anh Đỗ Văn Cương, thôn Cóc Mằn – xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng vẫn xác định nuôi lợn là nghề chính. Bởi mới hơn 1 năm trở về trước, khi giá lợn hơi dao động ở mức 38 nghìn đến 42 nghìn đồng/kg, mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn lợn cũng mang về cho gia đình một khoản lợi nhuận đáng kể, bằng cả nuôi gà, kinh tế rừng kết hợp với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, giá lợn hơi luôn ở mức thấp, hiện nay, mặc dù có nhích hơn so với thời kỳ rớt thê thảm nhưng gia đình vẫn chịu thua lỗ. Anh Cương cho biết: "Chấp nhận thua lỗ, thời gian qua gia đình anh cũng như nhiều hộ trong vẫn duy trì đàn lợn bởi đã đầu tư hệ thống chuồng trại và hy vọng giá sẽ dần phục hồi trở lại, nhưng đến nay thì dường như đã hết kiên nhẫn". Chính vì vậy mà anh hạn chế tái đàn, quy mô chăn nuôi hàng trăm con giờ chỉ còn 1/3. Thay vào đó, anh Cương mở rộng chăn nuôi gà thả vườn, gà đẻ trứng và dành thời gian chăm sóc trên 4ha vườn rừng gồm quế và mỡ sắp đến kỳ cho thu hoạch. Hiện tại, anh Cương đã đầu tư nuôi trên 2 nghìn con gà bằng 2 giống chủ lực đó là: Gà Hồ và gà Minh Dư, với ưu điểm là giống tốt, có khả năng kháng dịch bệnh cao, thịt ngon và được tiêu thụ khá tốt trên thị trường, giá bán khoảng 70 nghìn đồng/kg. Đây có thể coi là giải pháp tự chuyển đổi ngành nghề để thích nghi với thị trường trong bối cảnh hiện nay. Anh Đỗ Văn Cương nói.

Là một trong những địa phương chăn nuôi trọng điểm của huyện Bảo Thắng, thời điểm cách đây hơn 1 năm, toàn xã Xuân Quang có tổng đàn lợn lên đến trên 40 nghìn con, nhưng hiện nay con số này chỉ còn khoảng 20 nghìn con, giảm hơn 1 nửa nhưng tình hình tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn. Thống kê cho thấy, ở Xuân Quang hộ nào ít thì cũng có tới 5 đến 6 gian chuồng nuôi lợn, hộ lớn quy mô vài chục gian chuồng, được đầu tư khá bài bản và tốn kém. Khó khăn nhất là nhiều hộ mới vay lãi suất ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại, phát triển chăn nuôi thì gặp ngay giai đoạn lợn rớt giá dài chưa từng có từ trước tới nay. Với một xã mà thu nhập của các hộ dân từ ngành chăn nuôi chiếm khoảng 60%. Quy mô chăn nuôi từ 50 con trở lên khoảng trên 1 nghìn hộ, đặc biệt, có trên 100 hộ gia đình có quy mô chăn nuôi lợn từ 100 đến 300 con, thì thực trạng rớt giá lợn liên tục đã khiến cho nhiều hộ gia định rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Với giá bán lợn hơi chỉ dao động 26 đến 30 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi con lợn người nông dân chịu lỗ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Ông Bùi Đức Kiểm - Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Quang cho biết: Ở Xuân Quang, chăn nuôi từ lâu vốn là nghề chính của hầu hết các hộ dân, nếu bỏ chăn nuôi thì việc chuyển đổi ngành nghề bây giờ là rất khó khăn. Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Nghị quyết chi bộ ở các thôn, cấp uỷ xác định trong phát triển kinh tế vẫn lấy chăn nuôi là mũi nhọn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, cấp ủy, chính quyền buộc phải tính đến phương án khác, từ chỗ xác định chăn nuôi, trong đó nuôi lợn là chủ lực thì hiện tại địa phương định hướng cho bà con tái đàn ở mức thấp, thay vào đó là phát triển có tính toán khả quy mô nuôi gia cầm; còn mũi nhọn hiện là phát triển kinh tế hộ theo mô hình tổng hợp, trọng điểm là cây lâm nghiệp như: Quế, mỡ và trồng cây cảnh, cây ăn quả… Mục tiêu là phát triển đa ngành để có thể gánh cho nhau ở thời điểm khó khăn và người dân cũng ít phải chịu rủi ro hơn. Ông Kiểm nói

Tín hiệu vui từ Xuân Quang cho thấy, không chỉ gia đình anh Đỗ Văn Cương mà hàng trăm hộ chăn nuôi lớn khác ở Xuân Quang, tập trung chủ yếu tại các thôn như: Nậm Dù, Thái Vô, Na Ó, Trang Nùng, Làng Lân, Làng Gạo… cũng đang tính hướng dịch chuyển từ chăn nuôi là chính sang phát triển kinh tế tổng hợp. Từ vùng chăn nuôi trọng điểm ở Xuân Quang cho thấy, thay vì mong ngóng, hy vọng những tín hiệu tích cực từ thị trường, người chăn nuôi nên chủ động chuyển đổi mô hình, hạn chế tài đàn lợn; phát triển đàn gia cầm cũng có sự cân nhắc, tính toán thận trọng, đề phòng thiệt hại do cung vượt quá cầu như đã xảy ra với đàn lợn. Và mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi thứ một ít để gánh cho nhau có thể là giải pháp nên lựa chọn trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết