Cơ hội phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch

18:59 30-07-2022 | :287

Laocaitv.vn - Qua tổng hợp, hiện toàn tỉnh có khoảng 13.000 lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch, chỉ bằng 60% so với trước khi có dịch Covid-19. Để có đủ nhân lực, các doanh nghiệp, hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn... đang hướng đến lực lượng lao động tại chỗ. Vấn đề là khâu đào tạo để có được đội ngũ nhân viên chất lượng.

 

 

Đa phần địa điểm du lịch ở Sa Pa đều mang những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trong vùng, từ không gian kiến trúc, ẩm thực, đến các điểm check in... Vì vậy, khi du lịch mở cửa trở lại, nhiều cơ sở cũng mong muốn tìm nhân lực làm việc là người dân tộc thiểu số ở địa phương để đào tạo, sử dụng. Anh Phùng Việt Hùng, Chủ cơ sở du lịch tại Sa Pa nói: “Du khách họ thích những nét mộc mạc, hoang sơ. Nên mình cũng rất muốn người đồng bào ở đây, mang những nét văn hóa của người đồng bào đến cho du khách trải nghiệm.”

Nhiều cơ sở mong muốn tìm nhân lực làm việc là người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Ngoài làm cho các cơ sở trên địa bàn, ngay khi du lịch có dấu hiệu phục hồi, người dân cũng chủ động tự tạo việc làm thông qua các hình thức góp vốn, vay vốn để tự sản xuất, kinh doanh, mở các cơ sở lưu trú, dịch vụ homestay. Thống kê của thị xã Sa Pa, tới thời điểm này có khoảng 1.000 người dân tham gia làm homestay đã có thu nhập. Một phần trong số này cũng bước đầu được đào tạo về nghiệp vụ, kĩ năng.

Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: “Đối với lực lượng lao động này, thị xã Sa Pa đang tích cực đẩy mạnh đào tạo lao động nghề cho lao động nông thôn; trong đó, cũng tập trung phát triển về du lịch cộng đồng để phát triển bền vững.”

Việc thích ứng và thay đổi trong các hoạt động đào tạo du lịch cần có một sự linh hoạt, có thể bắt đầu từ việc tận dụng các tài nguyên sẵn có, hướng đến mục tiêu cuối cùng là trang bị cho nguồn nhân lực mới những kỹ năng, kiến thức và thái độ cần thiết trong công việc. Đây cũng là vấn đề được ngành Du lịch và các cơ sở kinh doanh đặc biệt chú ý. 

Khoảng 1.000 người dân tham gia làm homestay đã có thu nhập.

Ông Trần Thanh Thủy, Công ty Cổ phần thương mại Hùng Dũng, thị xã Sa Pa cho biết: “Đa phần nhân lực của chúng tôi đã chuyển sang ngành nghề khác, khi tuyển mới thì các bạn không thể ngay lập tức tiếp cận được. Chúng tôi có khoảng 60% phải đào tạo lại hết.”

Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai nói: “Nguồn nhân lực phải được chuẩn bị trước, chuẩn bị liên tục cho nhiều năm tới, bởi lẽ việc đào tạo không thể tính ngày một ngày hai mà có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố tôi cho rằng là mấu chốt cho sự phát triển.”

Mục tiêu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có năng lực cạnh tranh, phát triển trong thị trường du lịch trong nước và quốc tế đã đặt ra những yêu cầu và thách thức mới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Lào Cai giải quyết được việc làm cho lao động địa phương khi đã qua đào tạo; tạo đà cho sự phát triển bền vững của ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh nhà.

Thu Hường – Nông Quý – Tuấn Nam

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết