Sáng ngày 13/9, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và bàn giải pháp phát triển cá nước lạnh Lào Cai bền vững. Dự hội nghị có trên 100 đại biểu là đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố; Hiệp hội cá nước lạnh Sa Pa, chủ các cơ sở nuôi cá nước lạnh, cung ứng con giống, thức ăn nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tại hội nghị: trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai hiện có 96 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tập trung tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương và Văn Bàn. Diện tích nuôi cá nước lạnh đạt gần 49.000m3 bồn bể. Sản lượng ước đạt 500 tấn, đem lại giá trị sản xuất ước đạt 30 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động. Toàn tỉnh hiện có 04 cơ sở cung ứng con giống và 4 cơ sở cung cấp thức ăn cho nuôi cá nước lạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2017 này đã cung cấp ra thị trường trên 700.000 con giống, 120 tấn cám phục vụ nhu cầu của các cơ sở nuôi.
Những năm qua, nghề nuôi cá nước lạnh đã thực sự phát triển tại 01 số địa phương có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, nhiệt độ khí hậu. Nguồn cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi vân) của Lào Cai không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, mà còn xuất bán về Hà Nôị, ra một số tỉnh bạn. Nhiều hộ nuôi cá nước lạnh có thu nhập khá cao.
Nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa - Lào Cai
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi cá nước lạnh cũng có khá nhiều rủi ro và cần định hướng để phát triển bền vững. Cụ thể năm 2017, giá trị sản phẩm cá nước lạnh của Lào Cai giảm mạnh (từ 80.000 – 100.000 đồng/kg) so với năm 2016 và có sự chênh lệch khá lớn từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Các hộ dân phát triển nuôi cá nước lạnh mang tính tự phát, không thực hiện quy hoạch, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở chung một nguồn nước gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Nguồn cung cấp giống, thức ăn phục vụ nuôi phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài, nên giá thành cao, chi phí đầu tư xây dựng trang trại, mua sắm vật tư phục vụ sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Một khó khăn nữa là phần lớn các cơ sở nuôi cá nước lạnh thường ở những vùng cao, phân tán, giao thông không thuận lợi, cá nước lạnh hiện vẫn được tiêu thụ dưới dạng tươi sống, nên khó khăn trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Việc quản lý xây dựng, phát triển vùng nuôi của chính quyền cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về quy hoạch và nguồn nước, chưa có chính sách hỗ trợ và đầu tư về khoa học, kỹ thuật, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao.
Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Lào Cai sẽ đưa diện tích nuôi cá nước lạnh tại các vùng có tiềm năng đạt 54.500m3.
Để đạt mục tiêu này, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu rõ những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp để việc quản lý, phát triển nuôi cá nước lạnh đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học và bền vững. Theo đó, các đại biểu đề xuất: các sở ngành của tỉnh và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi, tổ chức quản lý phát triển cá nước lạnh để các địa phương, hiện hội nuôi cá nước lạnh của tỉnh căn cứ thực hiện.
Nhiều ý kiến khác của các đại biểu cũng đề xuất: Tỉnh, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho cá nước lạnh; hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về sản xuất an toàn; hỗ trợ việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển thị trường, hình thành các liên kết dọc, thành lập các hợp tác xã, hội nghề nghiệp, thúc đẩy thành lập Hội nuôi cá nước lạnh Lào Cai...để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá nước lạnh của Lào cai trong thời gian tới.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết