Để cây quế không "tăng trưởng nóng"

20:30 25-09-2022 | :638

Laocaitv.vn - Vài năm trở lại đây, cây quế thực sự chứng minh được giá trị kinh tế rất lớn so với các cây trồng khác và trở thành cây trồng chủ lực đối với nhiều huyện vùng thấp. Tuy nhiên, việc ồ ạt mở rộng diện tích sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát triển nóng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất này.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 55.000 ha quế, nhưng đến thời điểm này, diện tích quế tại địa phương đã đạt trên 53.300 ha; bình quân tăng từ 20 - 30%/năm, trong khi đó thị trường sản phẩm quế mỗi năm chỉ tăng khoảng 8%, khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ để lại rủi ro nếu như Lào Cai không kiểm soát tốt vùng trồng, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Anh Tuấn, tư vấn cao cấp dự án GREAT cho rằng: "Chúng ta phải có bước đi rất thận trọng liên quan đến việc kiểm soát chất lượng vùng trồng; không phải chỗ nào chúng ta cũng phát triển rộng cây quế được. Một vấn đề rất quan trọng nữa là phải ưu tiên sản phẩm nào. Chúng ta phải đi sâu vào không chỉ diện tích mà cả vấn đề phát triển theo chiều sâu, quy hoạch giống, vấn đề chất lượng, liên kết và sản phẩm chế biến thay vì chạy theo số lượng".

Sản phẩm từ cây quế mới chỉ dừng lại ở mức chế biến thô nên giá trị kinh tế chưa cao.

Hiện nay, sản phẩm vỏ quế chủ yếu do người dân tự sơ chế, bảo quản và bán cho các tiểu thương nên giá thấp, chưa tạo thành chuỗi giá trị. Trong khi đó, tinh dầu quế chủ yếu được chế biến thô, đa phần xuất sang Trung Quốc với giá trị không cao, thiếu tính bền vững. Bởi vậy, việc chế biến sâu các sản phẩm là yêu cầu sống còn để nâng cao giá trị cho cây quế. 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Triều Dương đã đưa ra quan điểm: "Phải quy hoạch làm sao các nhà máy, vùng trồng phù hợp, hạn chế mở đơn vị thô để tập trung đơn vị lớn làm ra sản phẩm có thương hiệu, có thị trường và điều tiết được. Phải tìm một vài đơn vị người ta làm được, bán được sản phẩm thì mới điều tiết được thị trường, từ đó mới đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân".

 Để sản xuất quế mang tính bền vững cần hướng tới chế biến sâu, mở rộng thị trường và tạo sự liên kết.

Để cây quế phát triển bền vững, đối với vùng nguyên liệu, tỉnh đang tập trung quy hoạch, phát triển theo hướng hữu cơ, do người dân xây dựng có sự liên kết với doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng chế biến sâu, tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết từ việc ươm, trồng, chế biến đến tiêu thụ.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Bằng việc định hướng phát triển bền vững theo hướng canh tác hữu cơ, chúng ta sẽ cùng với các doanh nghiệp, vì doanh nghiệp họ có điều kiện tiếp cận thị trường, thì chúng ta sẽ tìm kiếm được thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính nhưng giá trị lại rất cao, ví dụ như thị trường châu Âu, Mỹ. Đảm bảo hiệu quả sản xuất lâu dài, bền vững; ví dụ như doanh nghiệp lo được đầu ra, nhưng nông dân là người trồng cây từ đầu, quá trình canh tác như vậy góp phần tạo ra vùng nguyên liệu".

Chất lượng, hàm lượng tinh dầu quế của Lào Cai được đánh giá đứng thứ ba tại Việt Nam. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh sẽ có gần 5.000 ha quế cấp chứng chỉ hữu cơ (chiếm 1 nửa so với cả nước). Đó là lợi thế rất lớn nhưng để sản xuất quế mang tính bền vững, Lào Cai cần tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo sự liên kết.

Trung Kiên - Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết