Địa lan - Cây xoá đói giảm nghèo của đồng bào Sa Pa

13:47 30-04-2018 | :1281

Laocaitv.vn - Theo thông tin của Phòng kinh tế tổng hợp huyện Sa Pa, dịp Tết Nguyên đán 2018, Sa Pa bán ra thị trường khoảng 12.000 chậu địa lan, thu về hàng chục tỷ đồng. Trong khi nhiều loại hoa, cây cảnh tết khác bấp bênh về thị trường tiêu thụ và giá cả, thì địa lan Sa Pa luôn được giá và thị trường ngày càng mở rộng. Với khoảng 70.000 chậu đang có, địa lan khẳng định là cây xoá đói giảm nghèo và giúp đồng bào làm giàu.

Gia đình anh Lý Phù Chiêu, chị Chảo Tả Mẩy ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn dịp tết vừa qua có 300 chậu lan đủ điều kiện để bán. Một phần của gia đình tự trồng, một phần anh chị mua lại của bà con trong thôn. Chậu nhỏ nhất cũng có giá một vài triệu. Còn chậu to, nhiều hoa, bán tới 20 triệu đồng… Nếu so với trồng lúa, ngô, thì chỉ cần một chậu lan cũng bằng cả ha ngô. Nhận thấy trồng lan hiệu quả kinh tế cao như vậy, nên gần chục năm nay gia đình đã đầu tư vào cây địa lan. Vài năm nay, năm nào anh chị cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Địa lan được trồng nhiều nhất ở xã Tả Phìn -huyện Sa Pa với trên 25.000 chậu.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, toàn huyện hiện có khoảng 70.000 chậu địa lan, tập trung chủ yếu tại thị trấn Sa Pa, xã Tả Phìn, Sa Pả, Tả Giàng Phìn, Hầu Thào… Dịp tết vừa rồi, người dân Sa Pa có khoảng 12.000 chậu lan được bán ra, mang về nguồn thu nhập nhiều tỷ đồng. Vài năm nay, giá bán hoa lan tết tương đối ổn định. Mỗi cành lan có giá từ 200.000 cho tới 600.000 đồng tuỳ vào chất lượng của cành hoa. Do vậy, có những chậu lan lớn, số lượng hoa nhiều, cành hoa to, đẹp, giá bán có thể lên tới vài chục triệu đồng. Trồng lan cho thu nhập cao, không tốn đất canh tác, vốn đầu tư không nhiều. Tận dụng các khoảng trồng như sân nhà, vườn nhà là có thể đặt các chậu lan. Chậu lan đặt lên trên các giá kê là khúc gỗ hoặc trụ xi măng. Mỗi chậu trồng hoa lan được đúc bằng xi măng có giá từ 50.000 đến 70.000 đồng. Mới đây, nhiều hộ cải tiến trồng lan trong các chậu nhựa, tiện lợi hơn rất nhiều. Về giống, nguồn giống ban đầu là do bà con tự tìm giống ở trên rừng, hoặc mua lại của nhau, tính ra chi phí đầu tư không cao. Sau hai năm là một chậu lan đã có thể tách ra nhân giống thành vài chậu.

Cũng vì việc trồng lan không quá khó khăn, nên người dân các xã ở Sa Pa từ chỗ đi lấy lan giống về bán cho các nhà vườn của thị trấn, sau đã học hỏi, tự trồng và ngày càng giỏi về kỹ thuật trồng, tạo dáng cho lan. Việc trồng địa lan ở Sa Pa tập trung ở khu vực thị trấn, các xã xung quanh có khí hậu mùa hè mát mẻ. Trong đó, riêng xã Tả Phìn là người dân tham gia trồng nhiều nhất, có tới trên 25.000 chậu. Từ các thôn như Suối Thầu, Giàng Tra, Can Ngài cho đến Tả Chải, đời sống của bà con ngày càng cải thiện, hộ nào có vườn lan từ 50 chậu trở lên đều đã thoát đói nghèo, trở nên khá giả. 

Cần tăng cường sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa địa lan.

Thấy người dân ở Sa Pa đang có cơ hội làm giàu từ hoa địa lan, nhiều người ở các địa phương khác có người thân ở Sa Pa cũng đã tìm tới mượn đất, lập vườn trồng hoa lan. Điển hình như anh Chảo Láo Tả, ở thôn Suối Tủng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát.  Do có người nhà ở xã Tả Phìn, anh Tả theo lên đó lúc đầu là làm giúp, sau tự trồng vài chậu đặt nhờ. Rồi tiến tới mượn đất, lập vườn, tăng dần số chậu, hiện đã có khoảng 300 chậu lan lớn nhỏ. Mấy năm trước, mỗi năm anh được thu từ 20 đến 30 triệu đồng từ tiền bán lan. Vụ lan tết vừa qua, số tiền thu về đã tăng lên khá nhiều - khoảng 60 triệu đồng.

Thấy được giá trị kinh tế cao của hoa lan nên không cần phải tuyên truyền, vận động gì nhiều, bà con các dân tộc ở Sa Pa đang đua nhau trồng lan. Huyện Sa Pa cũng đã chú trọng và khuyến khích người dân trồng Lan, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, giúp cho người dân yên tâm đầu tư trồng lan đạt hiệu quả cao. Từ chỗ tự học, tự trồng theo kiểu hướng dẫn nhau, nay người trồng lan Sa Pa đã biết tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lan, cách phòng chống dịch bệnh cho lan. Tuy nhiên, để nghề trồng địa lan Sa Pa phát triển bền vững, mang lại giá trị thu nhập cao cho bà con, vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải làm sao liên kết chặt chẽ trong khâu quảng bá, tiêu thụ. Bởi hầu hết người trồng lan đang bán ra qua các khâu trung gian, chỉ một số ít người tự chủ được hoàn toàn từ khâu trồng cho tới tiêu thụ.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết