Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát công tác quản lý môi trường tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai

14:50 13-09-2017 | :368

Tiếp tục chương trình giám sát về chấp hành pháp luật Bảo vệ môi trường tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chiều  qua 12/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai gồm có: ông Vũ Xuân Cường –Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ; bà Giàng Thị Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Vương Văn Sáng, ông Sần Sín Sỉnh cùng đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục giám sát tại Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai. Trước khi có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế, đoàn đã kiểm tra thực tế tại 2 khu công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và kiểm tra trực tiếp hoạt động của một số công ty, doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp Tằng Lỏong.

Ban quản lý Kinh tế tỉnh Lào Cai là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các khu công nghiệp của tỉnh. Cụ thể, đơn vị được giao quản lý 4 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, khu Thương mại – Công nghiệp Kim Thành và Khu công nghiệp Tằng Lỏong, tổng số trên 140 dự án đăng ký đầu tư. Theo đánh giá của Ban quản lý Khu kinh tế, do đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp còn bất cập, việc chấp hành hồ sơ bảo vệ môi trường của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm và một số lý do khác, dẫn đến hiện tượng khí thải, nước thải và chất thải rắn tại khu công nghiệp (chủ yếu là Khu Công nghiệp Tằng Lỏong) đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Với các số liệu quan trắc được như tổng lượng khí thải các nhà máy phát thải trung bình khoảng 1,7 triệu m3/h, thành phần chính gồm SO2, CO, NOx,  việc xử lý khí thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp chưa triệt để, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép. Đối với nước thải, mặc dù nước thải sản xuất của các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện được các đơn vị xử lý tuần hoàn và tái sử dụng phục vụ sản xuất, tuy nhiên, một số dự án tuần hoàn nước thải chưa đảm bảo, khu công nghiệp chưa có hạ tầng thu gom nước mặt, nên khó khăn trong việc kiểm soát và quản lý; xuất hiện tình trạng thẩm thấu, rỉ nước ra môi trường. Đối với chất thải rắn, thống kê sơ bộ có khoảng 5,8 triệu tấn/năm, hiện các loại chất thải này chưa có biện pháp xử lý triệt để, mới có khoảng 10% xỉ thải phốt pho cung cấp làm phụ gia xi măng, sản xuất gạch, còn chủ yếu là tập kết trong mặt bằng của doanh nghiệp. Mặc dù đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao, vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn tiếp diễn phức tạp. Đề xuất của Ban Quản lý khu kinh tế là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường; giải pháp về cơ chế chính sách, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường; đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét tạm dừng, không chấp thuận đầu tư các dự án thuộc ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao; đối với các dự án hoạt động không hiệu quả, nguy cơ gây ô nhiễm cao đề nghị tỉnh xem xét chấm dứt hoạt động.

Kiến nghị của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng như quá trình giám sát tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận; yêu cầu tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị liên quan, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, đoàn cũng nghiên cứu, đề xuất một số vấn đề về công tác xây dựng pháp luật trong bảo vệ môi trường, từ đó, kiến nghị Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương cũng như tỉnh có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế, hạn chế những bất cập, chồng chéo liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về môi trường.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết