Giải bài toán khó khăn về nguồn giống phát triển cây dược liệu

09:27 06-05-2019 | :1086

Laocaitv.vn - Là địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu của Chính phủ, cuối năm 2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, diện tích trồng cây dược liệu trên toàn tỉnh là gần 3.800 ha. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cây dược liệu có những khó khăn chung mà huyện Bắc Hà và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gặp phải là không chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất, dẫn đến giá giống cao và tỷ lệ hạt giống nảy mầm thấp, dẫn theo chi phí sản xuất tăng cao, giảm hiệu quả kinh tế.

Huyện Bắc Hà đã chủ động được nguồn giống phục vụ phát triển dược liệu cho địa phương

Khắc phục khó khăn về giống dược liệu, tháng 9 năm 2017, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà được tỉnh Lào Cai phê duyệt thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế theo hướng đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới”. 3 loại giống được tập trung sản xuất là đương quy, đan sâm, cát cánh để đáp ứng nguồn giống tốt, an toàn, sạch bệnh cung ứng cho người dân trồng dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh. Việc triển khai dự án tập trung vào 2 nội dung chính là: Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cây đương quy Nhật Bản, đan sâm và cát cánh tại Bắc Hà và xây dựng kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản 3 loại cây này phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Bắc Hà - Lào Cai. Để thực hiện được hai nội dung đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tiến hàng hàng loạt các nghiên cứu như: Ảnh hưởng của thời vụ đến chất lượng giống; ảnh hưởng của biện pháp xử lí hạt giống đến tỷ lệ nảy mầm của đương quy Nhật Bản, cát cánh tại Bắc Hà, Lào Cai; ảnh hưởng của chế độ chăm sóc đến chất lượng cây giống; nhân giống đan sâm bằng phương pháp vô tính từ mầm củ; xây dựng tiêu chuẩn cây giống đương quy Nhật Bản, đan sâm và cát cánh cấp cơ sở tại Bắc Hà… Đặc biệt quá trình nghiên cứu các quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng hạt giống được các thành viên thực hiện đề tài nghiên cứu đặc biệt chú trọng.

Tại vườn sản xuất cát cánh giống của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà ở xã Lùng Phình, mỗi ngày những người lao động và cán bộ phụ trách đều tiến hành làm cỏ, chăm sóc cây theo đúng quy trình kĩ thuật đã đặt ra. Cát cánh là một loại cây dược liệu khó tính, khả năng chịu hạn kém, đặc biệt không chịu được ngập úng. Cây chỉ thích hợp với khí hậu mát và ẩm, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15-25oC... chính vì những đặc tính đó, chăm sóc cây cát cánh đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Đặc biệt, để sản xuất giống cây này thì yêu cầu kỹ thuật tăng lên theo cấp số nhân, cây đến độ thu hoạch, sẽ được các cán bộ của Trung tâm dùng kéo cắt nhẹ nhàng những quả đã chín, sau đó mang  về phơi dưới nắng nhẹ, hoặc nhà lưới phủ màng nilon 1 đến 2 ngày, rồi tách hạt. Hạt sau khi tách xong tiếp tục được phơi qua 1-2 nắng nhẹ dưới bóng râm, sau đó đưa vào bảo quản kín trong túi nilon và đảm bảo độ mát. Đến thời vụ, trước khi đem gieo sẽ được những người thực hiện đề tài nghiên cứu kiểm tra chất lượng bằng tỷ lệ nảy mầm, trong khi đó, đội ngũ nhân công lao động tại vườn chủ yếu lại là bà con người dân tộc thiểu số, chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trồng cây dược liệu, nhất là cây dược liệu theo quy trình kỹ thuật, vì thế cán bộ kĩ thuật phải "cầm tay chỉ việc" để đạt được hiệu quả cao nhất. Anh Hoàng Văn Tùng, Cán bộ kĩ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: "Trước đây huyện chưa chủ động được giống, phải nhập giống ở các công ty hoặc các tỉnh khác thì tỷ lệ nảy mầm không được cao, chậm sinh trưởng dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm. Đến năm nay thì huyện đã chủ động được giống, tỷ lệ nảy mầm là trên 90%".

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà là nơi cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con

Không riêng tại khu vực trồng cây cát cánh, mà tại tất cả các khu vực sản xuất giống cây dược liệu khác, những người tham gia thực hiện đề tài là cán bộ kĩ thuật của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đều phải có mặt thường xuyên để hướng dẫn bà con nhân dân chăm sóc và thu hái hạt theo đúng quy trình. Tại vườn lấy giống đan sâm, việc thu hạt được cán bộ kỹ thuật và người dân thực hiện hoàn toàn bằng tay để đảm bảo chất lương hạt giống tốt nhất, đòi hỏi người thực hiện phải thực sự tỷ mỉ và rất cẩn thận. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật luôn thực hiện vừa làm, vừa hướng dẫn người dân cùng làm để phục vụ cho phát triển và ứng dụng đề tài vào sản xuất sau giai đoạn tạo hạt giống. 

Sau hơn 2 năm nỗ lực triển khai, cho tới thời điểm này, đề tài đã đạt được những kết quả nhất định. Trên diện tích 3 ha thực nghiệm các vườn cây đương quy Nhật Bản, cát cánh, đan sâm bước sang tuổi thứ 2 và đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho những hạt giống chất lượng. Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: "Về sản xuất giống, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu một số chỉ tiêu nữa để đảm bảo sản xuất giống cho hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật để có năng suất cao và phẩm cấp cây dược liệu đạt tiêu chuẩn. Huyện giao cho trung tâm chúng tôi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân từ trồng đến khi thu hoạch, chúng tôi sẽ mua lại sản phẩm tươi của bà con để sơ chế cũng như là bán cho các công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm".

Với kết quả bước đầu thu được những người thực hiện đề tài cơ bản hài lòng với kết quả đạt được ở nội dung nghiên cứu sản xuất giống. Mong rằng trong tương lai không xa Lào Cai sẽ chủ động được nguồn giống dược liệu để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế .

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết