Laocaitv.vn - Là người luôn dành nhiều tâm huyết để làm các loại bánh truyền thống, những năm qua, bà Hoàng Thị Phùng, ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai không chỉ có kinh tế ổn định từ nghề làm bánh mà còn đưa nét đẹp ẩm thực của dân tộc Giáy đến với nhiều thực khách trên địa bàn thành phố và các tỉnh bạn.
Ngay từ nhỏ, bà Hoàng Thị Phùng đã được bà, mẹ của mình dạy cách làm những chiếc bánh đặc trưng của dân tộc Giáy như bánh chưng đen, bánh rợm, bánh chít,… Mỗi loại bánh đều gắn với một ngày lễ trong năm, vì vậy, mỗi phụ nữ dân tộc Giáy đều phải khéo léo làm ra được những chiếc bánh để dâng cúng tổ tiên, trời đất. Nếu trước đây, bà Phùng chỉ làm những loại bánh truyền thống trong dịp lễ, tết, thì từ năm 2010, khi chuyển về khu tái định cư tại tổ 12, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, bà đã có ý tưởng khôi phục lại nghề làm bánh truyền thống của dân tộc mình.
Theo bà Hoàng Thị Phùng chia sẻ, trước kia vẫn còn ruộng còn đất thì không nghĩ đến việc làm bánh, nhưng từ khi chuyển đến khu tái định cư, không còn đất làm ruộng nữa thì bà chuyển sang làm bánh truyền thống của dân tộc Giáy để tăng thu nhập cho gia đình. Con cháu trong nhà cũng được bà truyền dạy nghề làm bánh truyền thống này.
Bà Hoàng Thị Phùng đang gói những chiếc bánh chưng đen truyền thống.
Khác với chiếc bánh chưng vuông vắn của người Kinh, bánh chưng của đồng bào Giáy có hai đầu thon, phần giữa bánh phình to nên còn gọi là bánh gù. Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen mang hương vị thơm ngon đặc trưng phải trải qua nhiều công đoạn, cầu kỳ nhất ở khâu đốt than cây núc nác và sàng sảy bột than. Còn bánh chít được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và nước gio; muốn bánh ngon, màu đẹp, ngoài gạo nếp thơm dẻo, có hai thứ quan trọng nhất làm nên chất và vị của bánh là nước gio và các vị thuốc nam...
Để làm ra những chiếc bánh truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỉ, mất khá nhiều thời gian, chính vì vậy, hiện có rất nhiều phụ nữ Giáy không còn theo đuổi công việc làm bánh truyền thống của dân tộc nữa. Lo lắng nghề làm bánh truyền thống bị mai một, bà Hoàng Thị Phùng đã dạy cho con dâu cách làm các loại bánh để mong nghề này không bị thất truyền.
Để làm ra những chiếc bánh truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỉ mà không phải người phụ nữ Giáy nào cũng làm được.
Với giá cả phù hợp, những chiếc bánh truyền thống của dân tộc Giáy do bà Phùng làm ra hiện được nhiều người ưa chuộng. Đó là động lực giúp bà Phùng càng thêm cố gắng để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, mang đặc trưng riêng của dân tộc. Trước đây khi mới làm bánh, gia đình bà Phùng một ngày chỉ bán được 100 chiếc bánh các loại. Nhưng hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình bán được hơn 400 chiếc bánh; đặc biệt, vào các ngày lễ, tết, số lượng đơn đặt hàng tăng lên rất nhiều. Nghề làm bánh truyền thống đã giúp gia đình bà Phùng từ một hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo và khá giả hơn.
Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nhờ có những người thợ lành nghề như bà Phùng, các loại bánh truyền thống vẫn giữ được hương vị đậm đà vốn có, đáp ứng nhu cầu xã hội; nghề làm bánh truyền thống cũng đã mang lại cho họ cuộc sống khấm khá hơn.
Vân Anh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết