Hiệu quả mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

14:02 27-05-2020 | :784

Laocaitv.vn - Cùng nhau tương trợ, giúp đỡ nhau nhằm tạo ra một sự bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đang là lựa chọn của các hợp tác xã nông nghiệp. Tại huyện Văn Bàn, rất nhiều mô hình hợp tác xã đang có hướng đi đúng đắn, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Bình Phú, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn là một trong những hợp tác xã như vậy.

Mô hình trồng nấm của các thành viên trong Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Bình Phú.

Tận dụng những nguyên liệu sẵn có của địa phương như: Rơm, rạ, mùn cưa để trồng nấm - đây là hướng đi không mới của nhiều hộ gia đình tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn. Tuy nhiên, hầu hết chỉ dừng lại ở sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Xuất phát từ điều đó, năm 2017, 7 hộ gia đình ở đây đã cùng nhau chung vốn, khởi nghiệp bằng hình thức hợp tác xã. Quy mô sản xuất được mở rộng, sản phẩm được gắn tem mác, bao bì, chứng nhận OCOP và có thị trường tiêu thụ ổn định. Trung bình mỗi ngày hợp tác xã Bình Phú sản xuất được 1,1 tạ nấm, trừ chi phí còn lãi gần 2 triệu đồng. Những thành công bước đầu khiến cho các thành viên trong hợp tác xã hết sức phấn khởi. Anh Đặng Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Bình Phú, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho biết: "Tất cả các thành viên góp lại để tạo ra tiềm lực và có một sản phẩm nấm tốt nhất. Sản phẩm đó thì được mang đi tiêu thụ. Khác nhau ở chỗ là gia đình không có thương lái lớn đến, hợp tác xã có thương lái buôn đến nên các hợp đồng mua bán dễ dàng hơn".

Không chỉ có trồng nấm, hợp tác xã còn liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh để phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm. Được cung cấp về giống, phân bón, được cam kết bao tiêu sản phẩm kén đầu ra, đã giúp nhiều hộ dân ở đây tin tưởng gắn bó với cây trồng này. Đến nay, tại xã Liêm Phú đã hình thành một vùng nguyên liệu dâu rộng hơn 20 ha với sự tham gia của trên 100 hộ dân. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ cây lương thực truyền thống trước kia để chuyển sang trồng dâu sau khi nhận thấy giá trị kinh tế của cây trồng này đem lại cao hơn gấp nhiều lần.

Hiện, hợp tác xã đang hình thành thêm chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm kén tằm.

Đến nay, tại huyện Văn Bàn có 64 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Về phía huyện cũng đã có sự hỗ trợ tối đa nhằm tháo gỡ những khó khăn cho hợp tác xã như: Thủ tục, nguồn vốn vay ưu đãi, tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Việc thành lập các mô hình hợp tác xã là một hướng đi đúng đắn giúp Văn Bàn rất thành công trong việc xây dựng các sản phẩm OCOP. Với sự quyết tâm của các thành viên, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn của địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp đã có những bước đi vững chắc giúp người nông dân có việc làm, thu nhập ổn định, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.

Trung Kiên - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết