Laocaitv.vn - Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
Năm 2015, anhTrần Văn Kiều và chị Lữ Thị Bình ở thôn La Vai A, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương đã đi xuất khẩu lao động làm nghề trồng trọt, chăn nuôi tại Hàn Quốc. Nhờ công việc phù hợp, lại chịu khó lao động nên mỗi tháng trừ các khoản chi phí cá nhân, hai vợ chồng anh chị gửi về cho gia đình gần 70 triệu đồng. Trở về nước sau 5 năm xuất khẩu lao động, anh chị không chỉ thanh toán hết nợ ngân hàng mà còn sửa chữa được ngôi nhà, mua sắm vật dụng cho gia đình, mở thêm mô hình phát triển kinh tế mới. Từ hiệu quả mà xuất khẩu lao động mang lại, hiện anh Kiều tiếp tục đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc để có thêm nguồn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Giống như anh Trần Văn Kiều, anh Nguyễn Huy Bình, thôn Gốc Gạo, xã Lùng Vai sau khi học xong lớp 12 cũng chọn con đường xuất lao động tại Hàn Quốc. Sẵn trong tay nghề trồng trọt, chăn nuôi, nên sau khi làm các hồ sơ, thủ tục anh Bình đã được phía đơn vị Hàn Quốc ưu ái tuyển dụng với mức lương rất cao. Sau hơn 4 năm làm việc chăm chỉ, số tiền gửi về cộng kiến thức học được tại nước bạn không chỉ giúp gia đình trang trải các khoản vay mượn, mà còn giúp anh Bình có thể thực hiện được nhiều kế hoạch, ước mơ trong tương lai.
Không chỉ có thu nhập cao, kiến thức học được khi xuất khẩu lao động đã giúp anh Bình tự tin phát triển kinh tế gia đình.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, từ năm 2016 đến tháng 9/2019 đã có trên 800 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động cũng đã tổ chức tuyên truyền cho trên 5.000 lượt người lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, trong đó tập trung vào các đối tượng chính sách, lao động ở các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số.
Dù hoạt động xuất khẩu lao động tại Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác này cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, xuất phát từ việc phần lớn người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đào tạo nghề, không quen với môi trường sản xuất tập trung, chuyên nghiệp, nhiều lao động không muốn xa gia đình trong một thời gian dài. Vì vậy, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chú trọng trong việc tuyên truyền, phối hợp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và kiến thức cho lao động địa phương.
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm: “Sở sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là về kỹ năng, kỷ luật lao động. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tìm kiếm các thị trường lao động mới như Đông Âu, các thị trường không khó tính, chỉ yêu cầu về sức khỏe và tay nghề lao động…”.
Với điều kiện của một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, việc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động đã không chỉ giúp Lào Cai nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế các tệ nạn xã hội mà còn góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bởi vậy, mục tiêu trong thời gian tới của tỉnh là vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động chính gạch, nhằm góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương.
Thanh Hà – Xuân Anh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết