Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Mường Khương

11:00 03-11-2017 | :1454

(Laocaitv.vn) Tại huyện vùng cao núi đá Mường Khương, trong vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây Quýt - loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Dưới những triền núi đá, bà con nông dân vốn chỉ canh tác ngô hoặc làm ruộng bậc thang để trồng lúa mùa. Vậy nhưng chỉ vài năm gần đây thói quen canh tác đó đã được chuyển đổi sang một loại cây trồng mới. Những vườn quýt chĩu quả có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng đang thực sự mang lại niềm vui lớn cho người dân.

Năm 2013, gia đình ông Chải Lần Phủ bắt đầu tiến hành trồng quýt để thay thế diện tích trồng ngô kém hiệu quả. 4 năm sau, với 500 gốc Quýt, dự kiến mang lại nguồn thu cho gia đình ông gần trăm triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ trái ngọt này đem lại vượt xa khỏi sự kỳ vọng của ông.

Cây Quýt đem lại thu nhập khá cho người dân cùng cao núi đá Mường Khương.

Ở thôn Dì Thàng, tất cả 28 hộ dân trong thôn đều trồng và phát triển cây Quýt, thay vì chỉ gắn bó một năm 2 vụ ngô, lúa như trước đây. Mặc dù bén duyên với bà con cách đây mới vài năm nhưng loại cây ăn quả này đã chứng minh được hiệu quả kinh tế rõ nét, mang lại sự kỳ vọng về sự đổi thay trong thu nhập cho người dân.

Sau 2 năm thực hiện đề án phát triển sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm Quýt Mường Khương giai đoạn 2016  - 2020, huyện Mường Khương hiện đã phát triển vùng trồng Quýt được gần 400ha, trong đó có gần 100ha Quýt đang cho thu hoạch với sản lượng từ 12 đến 13 tấn/ha. Mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2020 sẽ quy hoạch vùng trồng Quýt lên hàng nghìn ha, tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Khương, xã Tung Chung Phố, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin.

Cùng với hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi một số loại cây trồng khác sang phát triển cây Quýt, loại cây này còn đang mở ra một hướng mới trong phát triển loại hình du lịch thăm quan, trải nghiệm trên vùng cao núi đá Mường Khương.

Thanh Sơn – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết