Laocaitv.vn - Để chuẩn bị phục vụ hoa cho ngày tết Nguyên đán, từ vài tuần nay, người trồng lan ở huyện Sa Pa đã di chuyển những chậu địa lan xuống các vùng thấp hơn để tránh rét. Vụ hoa tết năm nay cũng được người dân kỳ vọng nhiều bởi lượng đặt hàng cao hơn so với năm trước.
Cứ đến hẹn lại lên, dọc theo Quốc lộ 4D, đoạn từ xã Cốc San, huyện Bát Xát, từ vài tuần nay, người trồng lan Sa Pa đã tất bật đưa hoa địa lan xuống khu vực này để tránh rét. Nhiều hộ dân trồng lan cho biết, thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường nên chất lượng hoa địa lan cũng giảm, theo tính toán sơ bộ của các hộ, số nụ và số cành địa lan đạt chất lượng chỉ bằng khoảng 85% so với năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa chia sẻ: “Để chuẩn bị cho vụ hoa tết Nguyên đán năm nay, ngay từ giữa tháng 11, nhà vườn đã di chuyển hơn 500 chậu lan kiếm Trần Mộng xuống xã Cốc San, chi phí thuê xe di chuyển và thuê đất tính ra cũng đã hơn 50 triệu đồng; ngoài ra, nhà vườn còn phải thuê thêm người để trông coi hoa vào ban đêm. Ngay trước thời điểm di chuyển hoa xuống Cốc San, nhà vườn cũng đã bán hoa ra ngoài thị trường, năm nay số lượng đơn đặt hàng cũng nhiều hơn, nên doanh thu trước vụ hoa tết cũng đem về một khoản thu nhập hơn 1 tỷ đồng”.
Địa lan Sa Pa đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường hoa tết.
Năm nay, gia đình bà Tẩn Tả Mẩy, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa cũng đã chuẩn bị hơn 600 chậu địa lan để phục vụ tết Nguyên đán. Là một trong những hộ trồng địa lan lớn và có nhiều kinh nghiệm ở Sa Pa, nên ngay từ khi bước vào những ngày rét đầu tiên, bà Mẩy đã tính toán ngày để đưa hoa đi tránh rét. Theo bà Mẩy, hoa địa lan là loại hoa cực kỳ "kỹ tính", nếu khâu chăm sóc không được đảm bảo đúng kỹ thuật thì hoa sẽ không đạt chất lượng. "Cái khó của người trồng hoa địa lan đó là làm sao tính toán cho chuẩn ngày đưa hoa xuống vùng ấm hơn, chăm sóc, cắt cành đúng kỹ thuật để hoa có thể ra đúng dịp tết. Với thị hiếu và nhu cầu về hoa địa lan Sa Pa ngày càng cao, vụ hoa năm nay cũng hứa hẹn đem về cho gia đình nguồn thu lớn”, bà Mẩy chia sẻ thêm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, năm nay trên địa bàn huyện có khoảng 95.000 chậu hoa địa lan phục vụ cho dịp tết Nguyên đán 2020; cùng với đó là hàng chục nghìn chậu hoa cảnh, hoa thảm đang được người dân trong huyện tích cực chăm sóc để phục vụ cho dịp tết. “Trên địa bàn huyện Sa Pa ngày càng có nhiều hộ dân trồng địa lan, đây là một tín hiệu tích cực, bởi địa lan Sa Pa đang khẳng định được chất lượng cũng như thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Việc mở rộng số hộ tham gia trồng địa lan cũng kéo theo nhiều dịch vụ phụ trợ đi kèm, góp phần tăng thêm việc làm cũng như tăng thu nhập cho người dân”, bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa cho biết thêm.
Mặc dù thời tiết năm nay với nhiều diễn biến bất thường, nhưng với sự chủ động từ khâu di chuyển đến chăm sóc, người trồng địa lan Sa Pa hoàn toàn có thể tin tưởng vào một vụ hoa tết thắng lợi.
Thế Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết