Hội Thảo tham vấn ý kiến vào dự thảo kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020

10:34 29-08-2017 | :480

Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế  nông lâm nghiệp, lựa chọn những loại cây trồng thế mạnh, tăng giá trị kinh tế và tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa bền vững của địa phương, sáng nay (28/8/), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào cai đã  tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến vào dự thảo kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017 – 2020, dự Hội thảo có đại diện Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam GROUP; Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng lãnh đạo một số huyện, xã có diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 850 loài cây thuốc dược liệu quí, tập trung hầu hết tại các xã vùng cao, có thổ nhưỡng tốt,  khí hậu mát mẻ. Trước đây, nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh khá dồi dào, tuy  nhiên, do quá trình khai thác quá mức nên nhiều loài dược liệu đã bị cạn kiệt ngoài tự nhiên và có nguy cơ tuyệt chủng,  được đưa vào sách đỏ.

Những năm gần đây, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, tỉnh Lào cai  đã hình thành được một số vùng trồng cây dược liệu theo nhu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu. Đến hết năm 2016, đã có 930 héc ta cây dược liệu được trồng tập trung tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai. Ước tính bình quân, mỗi ha dược liệu cho thu nhập bình quân từ 120 - 240 triệu đồng/ha.

 Mục tiêu dự thảo kế hoạch phát triển dược liệu của tỉnh Lào cai là đến năm 2020, sẽ mở rộng vùng cây dược liệu của địa phương lên 1.900 ha, tạo 06 huyện nằm trong vùng qui hoạch phát triển là Bát Xát, Sapa, Bắc hà, Si  Ma Cai, Văn Bàn và Mường Khương. Những loại cây dược liệu dự kiến đưa vào trồng trên diện rộng gồm đương quy, Atiso, Đốc hoạt, Bạch truật, Tam thất, xuyên khung, chè dây, Sa nhân tím cùng một số loại cây dược liệu khác… Đảm bảo sản xuất trên 80% nguồn cây dược liệu dưới dạng nguyên liệu thô, dạng sản phẩm có giá trị gia tăng được các doanh nghiệp đặt hàng. 60% dược liệu được tổ chức sản xuất theo chuỗi và đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt của tổ chức y tế thế giới. Tổng kinh phí cho kế hoạch thực hiện phát triển dược liệu từ nay đến năm 2020 là trên 135 tỷ đồng.

Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện cơ quan chuyên môn trình bày chi tiết các kế hoạch, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo kế hoạch. Theo đó, đa số các ý kiến đều thống nhất với mục tiêu, kế hoạch phát triển  dược liệu  tỉnh Lào cai đến năm 2020, thống  nhất với diện tích mở rộng vùng cây dược liệu hàng năm theo kế hoạch dự thảo.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: dự thảo kế hoạch phát triển vùng dược liệu của tỉnh cần qui hoạch chi tiết về độ cao, khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng để khuyến cáo  trồng từng loại cây dược  liệu phù hợp, từ đó các địa phương có căn cứ thực hiện.  Cùng với việc chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, vấn đề bao tiêu sản phẩm dược liệu sau thu hoạch phải được giải quyết ổn thỏa trên cơ sở ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định lâu dài giữa người dân và doanh nghiệp - bởi đây chính là mấu chốt quan trọng, quyết định đến thành công của việc mở vùng dược liệu. 

Tại hội thảo các đại biểu cũng đề xuất dự thảo kế hoạch của tỉnh một số chính sách hỗ trợ đặc thù để các địa phương khuyến khích người dân mở rộng vùng  dược liệu theo qui hoạch của tỉnh trong những năm tới./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết