Khoai môn Cốc Mỳ hướng tới sản phẩm OCOP

17:09 23-11-2023 | :592

Laocaitv.vn - Khoai môn là loại cây quen thuộc mà nông dân xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát vẫn trồng để phục vụ đời sống gia đình và chăn nuôi. Nhận thấy củ khoai môn dễ bán, có giá cao trên thị trường, xã Cốc Mỳ đã định hướng bà con nông dân mở rộng diện tích theo hướng chuyên canh, đưa củ khoai môn thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, phấn đấu xây dựng sản phẩm khoai môn đạt sao OCOP.

Gia đình chị Hoàng Thị Vinh tập trung thu hoạch củ khoai môn.

Hưởng ứng chủ trương của xã, gia đình chị Hoàng Thị Vinh, thôn Ná Lùng đã chuyển trên 2.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cây khoai môn. Sau 8 tháng trồng, chăm sóc cây khoai cho thu hoạch củ. Với giá bán từ 12.000 đồng - 17.000 đồng/kg, chị Vinh có khoản thu gấp nhiều lần so với trồng ngô trước đây. "Đến hiện tại, tôi đang nhổ được một nửa nhưng tính về số lượng thì đã được gần 1 tấn khoai. Với giá bán 12.000 đồng/kg thì được 12 triệu đồng. So với trước đây, tôi thấy cây khoai này rất hiệu quả kinh tế", chị Hoàng Thị Vinh, thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ.

Chọn khoai môn là 1 trong 4 cây trồng chủ lực, năm nay, Cốc Mỳ có khoảng 17,5 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha và đã thành lập được Tổ liên kết sản xuất khoai môn. Dự kiến năm 2024, diện tích sẽ mở rộng lên trên 30 ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định, có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng với hướng dẫn Nhân dân trồng, chăm sóc theo quy trình, xã cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ để năm 2024, khoai môn Cốc Mỳ sẽ được chứng nhận là sản phẩm OCOP. "Trước mắt thì đã hoàn thiện đến bước thành lập Tổ liên kết sản xuất, giấy chứng nhận kinh doanh, và bước tiếp theo đang phấn đấu hoàn thiện để đến năm 2024 khoai môn Cốc Mỳ được công nhận là sản phẩm OCOP", ông Phàn A Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát nói.

Xã Cốc Mỳ định hướng bà con nông dân mở rộng diện tích cây khoai môn theo hướng chuyên canh.

Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: "Huyện đã xác định những giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã đề ra; trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, định hướng cho các hợp tác xã và các đơn vị doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 26 của tỉnh cũng như các nguồn vốn lồng ghép xã hội hóa và các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương là tạo ra chuỗi giá trị liên kết".

Năm 2022, Bát Xát có 13 sản phẩm OCOP. Năm nay, có thêm 12 sản phẩm được lựa chọn, đánh giá sản phẩm OCOP. Với việc từng địa phương xác định được cho mình các cây trồng, vật nuôi chủ lực, từ đó tập trung xây dựng định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP, như xã Cốc Mỳ với cây khoai môn, Bát Xát sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP giá trị.

Quang Phấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết