Khởi nghiệp từ mô hình đông trùng hạ thảo

20:49 10-06-2021 | :511

Laocaitv.vn - Với quyết tâm xóa đói, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, chàng thanh niên Nguyễn Công Đoàn, dân tộc Tày ở thôn Vàng, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng đã quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi nấm đông trùng hạ thảo. Dù mới triển khai được 2 năm, mô hình đã thu được những thành công bước đầu, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng.

Phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Công Đoàn.

Qua những lần lên mạng để tìm hiểu về các bài thuốc cho người nhà bị bệnh, anh Nguyễn Công Đoàn đã biết được những tính năng, tác dụng y học của nấm đông trùng hạ thảo, cũng như giá trị kinh tế của loại dược liệu đặc biệt này. Và cơ duyên tình cờ ấy cũng bắt đầu cho mô hình khởi nghiệp của anh Đoàn. "Tôi suy nghĩ, khi cầm tấm bằng đại học trong tay thì nên vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế sản xuất. Mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi kỹ thuật rất là lớn và không phải ai cũng làm được, nên tôi đã cố gắng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học trong trường áp dụng vào thực tế", anh Nguyễn Công Đoàn, thôn Vàng, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cho biết.

Nghĩ là làm, tháng 6 năm 2018, anh Đoàn đã nhập giống đông trùng hạ thảo từ Hà Nội về trồng thử nghiệm. Vậy nhưng, thành quả ban đầu có được không phải là những trái ngọt. "Nó cứ mày mò nó làm, làm lại hỏng, mỗi một lần hỏng bỏ đi rất nhiều. Chính vì thế tôi rất thương con, bảo con đừng làm nữa, vì thời điểm đó kinh tế gia đình cũng khó khăn", bà Nguyễn Thị Liên, thôn Vàng 2, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng chia sẻ.

Nấm đông trùng hạ thảo đạt yêu cầu khi có màu vàng sẫm.

Trải qua nhiều thất bại, không nản chí, anh Đoàn tiếp tục vay mượn thêm để đầu tư máy móc, con giống và phòng thí nghiệm. Từ phòng thí nghiệm, anh đã nghiên cứu, học hỏi, và sản xuất ra được những sản phẩm đầu tiên. Thành công mới chỉ là bước đầu, nhưng mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Công Đoàn đang hứa hẹn một hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. "Về cơ sở vật chất vẫn còn nhỏ lẻ, về hiệu quả kinh tế theo chúng tôi đánh giá khả năng sản phẩm này sẽ được thị trường chấp nhận. Nếu mở rộng thêm cơ sở vật chất, và được nhiều người biết đến thì sẽ hướng tới sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo", ông Ngô Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng nói.

Hiện, sản phẩm đang được tiêu thụ ở thị trường một số tỉnh thành thông qua mạng bán hàng điện tử. Đối với mỗi sản phẩm khô làm nước uống có giá 300.000 - 350.000 đồng, mang về cho anh Đoàn hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Sau khi sản xuất thành công, anh Đoàn đã thành lập hợp tác xã, được xã Xuân Giao cũng như huyện Bảo Thắng hỗ trợ đăng ký là sản phẩm OCOP.

Việt Hùng – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết