Kinh nghiệm từ mô hình thí điểm doanh nghiệp quản lý, bảo vệ rừng ở Lào Cai

07:37 17-06-2020 | :543

Laocaitv.vn - Giao cho doanh nghiệp quản lý, bảo vệ rừng đó là mô hình thí điểm duy nhất trong cả nước từng được thực hiện tại Lào Cai. Dù thời điểm này, mô hình không tiếp tục được triển khai, tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện thí điểm, mô hình đã mang lại kết quả tích cực, được các cấp, các ngành đánh giá cao. Ghi nhận về công tác quản lý bảo vệ rừng tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn.

Các chốt kiểm soát thường trực 24/24 giờ.

Ấn tượng đầu tiên khi đến khu rừng mà Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh được khoanh nuôi bảo vệ, đó chính là hệ thống chốt kiểm soát được canh phòng nghiêm ngặt. Ông Lê Viết Chung, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh cho biết: “Khi được giao rừng thực hiện thí điểm, chúng tôi đã thành lập tổ chuyên trách trông coi bảo vệ rừng, lập 3 trạm chính, 1 trạm phụ, trực 24/24 giờ. Công ty cũng đầu tư dụng cụ cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo tốt nhất cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng”.

Ngay sau khi nhận giao khoán quản lý bảo vệ 3.780 ha rừng, bao gồm 3.430 ha rừng tự nhiên, 350 ha đất trống không có rừng, Công ty Phúc Khánh đã xây dựng, trình cơ quan chuyên môn thẩm định và tự phê duyệt phương án quản lý bảo vệ rừng, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; thành lập Ban bảo vệ phòng cháy, chữa cháy và Tổ bảo vệ rừng chuyên trách, gồm 12 người. Ngoài ra, Công ty Phúc Khánh còn xây dựng phương án quản lý tốt, không để phát sinh thêm diện tích cây thảo quả hiện có; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật bảo vệ phát triển rừng và các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên cơ sở quỹ đất trống là trên 350 ha, giao cho Công ty Phúc Khánh quản lý từ năm 2015 đến nay, Công ty phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện trồng được 132 ha. Đặc biệt Công ty Phúc Khánh còn tích cực triển khai dự án lâm nghiệp trên diện tích đất trống, như hỗ trợ người dân trồng cây sơn tra, nghiên cứu đưa cây sâm Ngọc Linh vào sản xuất, nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm áp lực từ rừng. Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: “Trên địa bàn huyện Văn Bàn, hiện tại đang có 2 doanh nghiệp tham gia quản lý bảo vệ rừng, đó là Công ty Thăng Long và Công ty Phúc Khánh. Họ đã làm rất rốt việc bảo vệ và phát triển rừng, vì họ có đủ lực lượng và kinh phí thực hiện. Các khu rừng giao cho 2 công ty này đều là những khu vực xa, khu vực giáp biên với các huyện của tỉnh Yên Bái, có những điểm đi rất xa, mất 1 ngày đường mới đến nơi được”.

Các ngành chức năng đánh giá hiệu quả trong việc giao rừng cho doanh nghiệp quản lý.

Qua các cuộc giám sát của các ngành cũng cho thấy: Sau 5 năm giao rừng cho doanh nghiệp, rừng đã được bảo vệ tốt, ổn định nguồn nước, giúp cụm nhà máy duy trì khả năng phát điện ổn định, thời gian phát điện kéo dài hơn; hạn chế xói mòn, điều hòa khí hậu; đảm bảo lượng nước phục vụ cho người dân trong vùng sản xuất nông nghiệp. Cách quản lý rừng bài bản của doanh nghiệp, được đánh giá là bài học quý trong công tác bảo vệ và phát triển rừng./.

Thế Văn - Tiến Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết