Làm giàu từ mô hình du lịch nông nghiệp

10:03 13-11-2024 | :103

Laocaitv.vn - Những năm gần đây, mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm không còn xa lạ với nông dân Lào Cai. Thổi “làn gió mới” trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình đã mở hướng giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu. 

Những đồi quýt sen ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương đang vào mùa chín rộ. Mỗi ngày, gia đình chị Lò Dìn Sủi đón hàng chục lượt khách vào tham quan, trải nghiệm. Cùng chủ nhân chăm sóc, thu hái quýt và chụp ảnh ngay tại vườn, được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành và ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình ở vùng cao.... Mô hình du lịch nông nghiệp của nhà chị Sủi khiến nhiều du khách ấn tượng.

Chị Nguyễn Thị Liên Hoa ở thành phố Lào Cai chia sẻ: "Lần đầu tiên vào vườn quýt Mường Khương tôi thấy rất đẹp. Chất lượng quýt ở đây rất ngon, có vị đậm rất riêng so với các loại quýt khác trên thị trường".

 Chị Sủi (áo đen) dẫn khách tham quan vườn quýt của gia đình.

10 năm trước, gia đình chị Sủi đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng bậc thang sang trồng 4.000 gốc quýt sen - giống cây ăn quả đặc sản có múi nổi tiếng ở địa phương. Tự lên mạng mày mò, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc, thành công đã đến khi đồi quýt phát triển rất tốt. Khi cây vào giai đoạn trưởng thành, sai trái hơn, chị Sủi đầu tư làm chòi nghỉ chân cho khách vào tham quan, trải nghiệm và thu hái quả ngay tại vườn... Cách làm này đã giúp đồi quýt nhà chị nâng cao giá trị, mỗi năm trừ chi phí cho thu tới 400 - 500 triệu đồng.

Chị Lò Dìn Sủi cho biết: "Gia đình tôi đầu tư trồng quýt 5 năm thì bắt đầu được thu hoạch. Khi mang ra chợ bán, khách ăn thử thấy ngon thì muốn đến tận vườn trải nghiệm. Mỗi năm đến mùa quýt khách lại tới. Tôi thấy bán tại vườn giá tốt hơn so với đem ra chợ bán".

Quýt sen - giống cây ăn quả đặc sản của Mường Khương.

Đầu tư chăm sóc tốt nên chưa năm nào đồi quýt sen của nhà chị Sủi mất mùa. Theo chị, bí quyết để cây quýt sen sai trái và quả đậm vị hơn, là người trồng phải đặc biệt chú ý đến khâu phòng, trừ sâu bệnh gây hại, tạo tán và bón đủ hàm lượng dinh dưỡng cho cây, đảm bảo sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường. "Mỗi năm tôi bón phân 3 lần, tất cả đều là phân hữu cơ", chị Sủi cho biết thêm". 

Cây quýt mang lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều hộ dân ở Mường Khương.

Cùng với một số hộ dân khác, chị Sủi đã tham gia vào mô hình Tổ nông dân nghề nghiệp trồng quýt sen của thôn Lao Chải. Cùng liên kết để phát triển kinh tế, những bí quyết thành công đã và đang được chị chia sẻ với bà con, nhằm nâng cao chất lượng các đồi quýt, xây dựng vùng du lịch nông nghiệp, giúp các hộ trồng quýt khác trong thôn có thu nhập cao hơn.

 An Hồng - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết