Lào Cai hướng tới nền nông nghiệp giá trị cao

15:30 01-11-2017 | :2524

Laocaitv.vn - Ngày này cách đây 67 năm, thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường được giải phóng, đánh dấu một mốc son trong lịch sử Cách mạng của tỉnh Lào Cai. 67 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lào cai ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang khởi động các chương trình hướng tới mục tiêu xa hơn: đó là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những hàng hoá nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho bà con nông dân trên khắp rẻo cao biên giới này.

 Không chỉ đảm bảo vệ an ninh lương thực, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã theo hướng hàng hóa với sự triển khai đồng bộ, từ nhân giống đến sản xuất và tiêu thụ thông qua những “cái bắt tay” của nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Nhờ vậy, các  vùng sản xuất hàng hóa, như: Lúa, ngô, chè, chuối mô, dứa, rau an toàn, hoa, cây ăn quả ôn đới… được phát triển mở rộng, bước đầu tạo ra những vùng sản xuất hàng hoá lớn, đem lại thu nhập cao, tương đối ổn định cho nông dân.

Nhìn lại chặng đường dài đã qua, mới thấy hết những giá trị, tự hào mà Lào Cai có được trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Bởi ở thời điểm 1991, khi tái lập tỉnh lỵ, năng suất lúa, ngô của Lào Cai mới chỉ đạt bình quân 3 tấn/1ha. Tổng sản lượng lương thực dù đã được tính qui thóc song chỉ đạt tổng cộng  xấp xỉ 118 ngàn tấn (bao gồm cả lúa, ngô, khoai sắn).  Nếu tính riêng lương thực có hạt chỉ có  97.000 tấn và bình quân lương thực đầu người / mỗi năm chưa được 200 kg. Lương thực thấp cộng với các điều kiện sống gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ đói nghèo  của tỉnh lên tới 55% (theo chuẩn nghèo của thời điểm đó).

Để vực dậy một nền sản xuất nông nghiệp còn ở mức sơ khai, chủ yếu là tự sản, tự tiêu, hàng chục năm liền, tỉnh Lào Cai đã xây dựng hàng loạt chương trình và các đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu trước hết là đảm bảm bảo an ninh lương thực, giải quyết dứt điểm việc thiếu đói liên miên của người dân.

 Để đảm bảo sản xuất chắc ăn, trong từng giai đoạn, ngành Nông nghiệp đã có sự điều chỉnh, tính toán xây dưng cơ cấu mùa vụ cho từng vùng miền, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu và trình độ canh tác của người dân để dần nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt. Suốt thập kỷ đầu mới tái lập, để khắc phục tình trạng đất đai canh tác có hạn, tỉnh vận động nhân dân tìm hướng khai hoang, đồng thời tung hàng loạt cán bộ kỹ thuật xuống từng chân ruộng, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con đưa các bộ giống lúa lai, ngô lai vào  gieo cấy đại trà trên đồng ruộng. Những năm tiếp theo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh vào chế độ thâm canh, nâng cao hệ số sử dụng đất. Vùng thấp khuyến khích sản xuất lúa 2 vụ, làm thêm vụ đông trồng rau màu. Vùng cao không chỉ thuần 01 vụ lúa hay 01 vụ ngô nữa, mà kết hợp trồng thêm cây khoai tây, cây đậu tương, dưa hấu. Cùng đó, ngành Nông Nghiệp Lào cai tập trung vào việc nghiên cứu sản xuất lúa giống, nhằm đạt được mục tiêu sản xuất nguồn lúa giống tại chỗ, đảm bảo cung ứng đủ  cho 70% diện tích lúa của Lào Cai. Các bộ giống lúa lai Quốc gia LC25, LC212, LC270 mang thương hiệu Lào Cai lần lượt ra đời, tạo nên một dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp tỉnh: Từ chỗ chỉ  thụ động trông chờ vào nguồn giống ngoại nhập từ Trung Quốc , giờ đây Lào cai không chỉ cơ bản đáp ứng nguồn giống lúa lai cho bà con nông dân trong tỉnh,  mà còn  đáp ứng nhu cầu về giống lúa lai cho  thị trường một số tỉnh lân cận.

Ảnh: Trung tâm giống nông nghiệp Lào Cai

Khi năng suất cây lúa, cây ngô đã có dấu hiệu bứt phá, an ninh lương thực đảm bảo,  tỉnh đặt ra mục tiêu cao hơn: đó là không chỉ để người dân được ăn no, mà hướng tới việc ăn ngon, chất lượng hơn, từng bước đưa cây lương thực trở thành hàng hoá. Những cánh đồng 01 giống với những giống lúa đặc sản cho giá trị cao như Séng cù, Bắc Thơm, Hương Thơm và một số  giống lúa thuần có chất lượng cao dần được đưa vào thay thế các bộ giống lúa lai trước đó. Với hướng đi này, hết năm  2016, trong tổng số trên 30 ngàn ha lúa của toàn tỉnh, đã có trên 3.000 ha ứng dụng từng phần hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, 500 ha ứng dụng toàn phần đã được nông dân toàn tỉnh thực hiện, nhờ đó tiết kiệm từ 30 đến 50% giống, nước tưới, phân bón và giảm hai đến ba lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động, tăng năng suất từ 10 đến 15% so với trước. Lào Cai đã hình thành 1.200 ha cánh đồng một giống, năng suất bình quân đạt 73,2 tạ/ha, cao hơn so với bình quân của tỉnh là 16,7 tạ/ha, giá trị tăng thêm đạt 13 triệu đồng/ha. Ở những vùng sản xuất lúa hàng hoá như Dương Quỳ (Văn Bàn), Mường Vi ( Bát Xát), sau mỗi vụ thu hoạch, cây lúa đặc sản, lúa thuần chất lượng cao đã mang lại cho nông dân niềm vui mùa gặt.

Song song với cây lúa, chủ trương tái cơ cấu kinh tế Nông nghiệp, phát triển mạnh các loại cây trồng vật nuôi tạo ra vùng sản xuất tập trung khối lượng nguyên liệu lớn, phát triển công nghiệp chế biến để tạo nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng mang thương hiệu Lào Cai, có sức cạnh tranh cao trên thị trường cũng được tỉnh đẩy mạnh trong suốt nhiều năm, nhất là từ năm 2010 đến nay. Theo đó, những loại cây trồng được tập trung phát triển đó là: chè, rau sạch, vùng cây ăn quả.. hoa cao cấp mang đặc trưng vùng khí hậu ôn đới và nhiệt đới. Hướng phát triển là từng bước hướng tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn Vietgap. Trong lĩnh vực chăn nuôi, là chuyển dần từ qui mô chăn nuôi hộ gia đình sang  qui mô trang trại, gia trại, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để tầm soát dịch bệnh, đồng thời dễ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi của người nông dân khi xuất bán sản phẩm ra thị trường. Giai đoạn này, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn hơn giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm, giải quyết bài toán được mùa rớt giá cho nông dân.

 Những chỉ đạo, dự án, qui hoạch chi tiết này được nông dân toàn tỉnh hồ hởi đón nhận.  Đến thời điểm hiện tại, Lào cai đã xây dựng được  vùng dứa, vùng chuối, vùng ngô hàng hoá lên tới hàng chục ngàn ha. Toàn tỉnh đã có khoảng 700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 287 ha cây ăn quả, 75 ha hoa, 36 ha rau và 28 ha cây dược liệu được thực hiện tại các địa phương. Nhờ áp dụng giống mới và tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nên chất lượng nông sản được nâng cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng nhanh, từ 6 triệu đồng/ha (năm 1991) lên 56 triệu đồng/ha (năm 2016). Đặc biệt, giá trị canh tác có ứng dụng công nghệ cao đạt 209 triệu đồng/ha, tăng từ 2 - 3 lần so với phương thức truyền thống. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh cũng đã có khoảng trên dưới 30 doanh nghiệp chính thức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cùng liên kết với bà con nông dân trong vấn đề sản xuất và bảo tiêu sản phấm.

 Riêng cây chè, hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 ha chè, chủ yếu là chè đặc sản Tuyết San và chè giống mới chất lượng cao như Bát Tiên, Ô Long, Ngọc Thúy..., phân bổ ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Hai công ty cổ phần chè Thanh Bình và Phong Hải và 05 cơ sở khác bảo đảm chế biến và xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường các nước Trung Ðông, với tổng sản lượng mỗi năm trên 10.000 tấn sản phẩm. Nhờ trồng giống mới chất lượng cao, đổi mới công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu đặc trưng.,, nên ngành sản xuất và chế biến chè Lào Cai đã đứng vững và phát triển, giúp người nông dân vùng cao có thu nhập ổn định và làm giàu.

Về chăn nuôi, hết năm 2016, giá trị sản xuất chiếm 41% cơ cấu nội ngành nông nghiệp, tăng 7,2% so với trước khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Đáng chú ý, ở hiện tại, chăn nuôi của Lào Cai đã được phân vùng rõ nét. Tại các địa phương vùng thấp đã phát triển các mô chăn nuôi gia trại, trang trại, bán công nghiệp và công nghiệp, phù hợp với từng loại vật nuôi (chủ yếu là lợn và gà); vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa) và lợn đen, gia cầm bản địa theo hướng hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có 333 trang trại, 7 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và hàng nghìn gia trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Năng suất và sản lượng thịt hơi tăng nhanh, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt 41%.

Một trang trại chăn nuôi lợn gắn với công tác bảo vệ môi trường      Ảnh: Báo tài nguyên môi trường

Lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh cũng có được những kết quả to lớn nhờ có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được đặc biệt quan tâm theo hướng tăng chất lượng, đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 18,2% (năm 1991) lên 53,7% (năm 2016).

Những thành tựu tái cơ cấu kinh tế nông  lâm nghiệp đã tạo chuyển biến rõ nét trong nông dân, nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Với hơn 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2016, Lào Cai hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía bắc trong xây dựng, thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia này.

Nhiệm kỳ đại hội tỉnh Đảng bộ Lào Cai lần thứ 15, giai đoạn  2015 – 2020 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp  bình quân đạt 6%/năm; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác bình quân đạt 80 triệu đồng/ha, trong đó giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bình quân đạt 260 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 330.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%... Những mục tiêu này đã và đang được ngành Nông nghiệp tinh đẩy mạnh. Giải pháp cũng đã được xác định rõ ràng: đó là để sản xuất Nông lâm nghiệp của tỉnh bắt kịp xu thế kinh tế thị trường, tỉnh đã và đang  thực hiện đồng bộ chín giải pháp lớn, trong đó chú trọng các giải pháp về đất đai, tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ, dịch vụ nông nghiệp và thị trường, nguồn nhân lực.

Ngành Nông nghiệp cũng xác định: Đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rau, hoa cao cấp, quả ôn đới, chè chất lượng cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm bản địa theo hướng sạch, an toàn thực phẩm. Đó là những bước đi quan trọng, để sản xuất nông nghiệp của Lào cai  tiếp tục gặt hái được những thành công mới, đảm bảo tốc độ tăng trưởng và mang lại những mùa vụ thu hoạch ấm no hơn./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết