Lào Cai nỗ lực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

19:54 23-06-2020 | :639

Laocaitv.vn - Thời gian qua, việc xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực, qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Trang trại lợn của gia đình anh Thành.

Mặc dù có hàng trăm con lợn sinh sản, lợn thịt nhưng môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Văn Thành, tổ 3, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng vẫn rất sạch sẽ. Xung quanh trang trại hệ thống cây ăn quả, hoa và cây cảnh phát triển xanh tốt. Để có được kết quả đó, anh Thành đã được hỗ trợ và chủ động đầu tư 3 bể biogas chứa chất thải chăn nuôi. Các công trình khí sinh học này đã mang đến “lợi đủ đường”. Anh Thành chia sẻ: “Hệ thống biogas rất tiện, không phải xả thải ra môi trường. Khí ga thì để sưởi ấm cho lợn. Nước dùng để tưới cho cây trồng phát triển rất tốt. Phân chuồng qua xử lý nuôi giun quế làm thức ăn cho lợn, gà”.

Không chỉ ở những trang trại, gia trại, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn mà việc giữ gìn môi trường hiện cũng được đa số các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ quan tâm thực hiện. Gia đình anh Vàng A Lùng, thôn Phù Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát mới thoát nghèo từ cuối năm 2019, hiện có 2 con trâu, mặc dù chưa xây dựng được hố ủ chất thải chăn nuôi theo quy định, nhưng gia đình anh đã có ý thức thực hiện chôn cột, đan nứa quây xung quanh khu vực chăn nuôi chuồng trại, hạn chế thấp nhất lượng chất thải chăn nuôi ra ngoài môi trường. Anh Lùng cho biết: “Tôi làm cái này với mong muốn bảo vệ môi trường ở thôn mình. Bao giờ có tiền thì tôi xây hố ủ, bây giờ thì chỉ làm được như thế thôi”.

Sử dụng hầm biogas - giải pháp tiết kiệm cho người dân.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi để vừa bảo vệ môi trường, vừa có phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đang được nhiều hộ chăn nuôi từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh quan tâm thực hiện. Với quy mô chăn nuôi lên tới 60 con gia súc, gia đình ông Phạm Hồng Điều, thôn Lương Hải 1, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên đã áp dụng biện pháp ủ phân chuồng bằng men vi sinh hữu cơ để phục vụ phát triển cây ăn quả, cây lâm nghiệp của gia đình mang lại hiệu quả cao. Ông Điều cho biết: "Ủ phân để bón cho hoa mầu giảm được 2/3 chi phí mua phân ở thị trường, vừa bảo vệ môi trường, vừa tốt cho cây trồng. Tôi ủ thành từng đợt phục vụ sản xuất cả năm".

Để có được sự thay đổi đó trong nhận thức của người dân, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp. Ông Nguyễn Tiến Toán, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, địa phương hiện có hàng trăm mô hình kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và lớn cho biết: "Tất cả các hộ chăn nuôi chúng tôi đều bắt buộc thực hiện xây dựng phương án bảo vệ môi trường trước khi thực hiện. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đều có hệ thống bể biogas hoặc các hố ủ không để nước chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường hoặc ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước".

Vườn cam trĩu quả của gia đình ông Điều được bón bằng phân hữu cơ hoai mục. 

Với những giải pháp cụ thể và phù hợp, hiện nay trong tổng số trên 115.400 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thì có trên 82% số hộ đã có chuồng trại xây kiên cố; khoảng 7.000 hộ đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, còn lại đa số thực hiện xử lý chất thải bằng hố ủ phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học; trên 500 trang trại chăn nuôi và 9 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và được UBND xã, thị trấn hoặc huyện phê duyệt; đồng thời áp dụng quy trình xử lý chất thải cơ bản đáp ứng tiêu chí về môi trường chăn nuôi, qua đó, góp phần thực hiện tốt việc phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường./.

Mai  Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết