Laocaitv.vn - Những năm qua, nông dân xã Mường Vi, huyện Bát Xát đã chủ động chuyển sang cấy giống lúa đặc sản Séng Cù. Cơ bản diện tích này đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Giống lúa này đã góp phần giúp Mường Vi có thêm sản phẩm đạt sao OCOP, là điều kiện để địa phương xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững.
Trên cánh đồng thôn Lâm Tiến, bà con nông dân đã thực hiện việc phun phòng bệnh đạo ôn ngay từ giai đoạn mạ. Cấy cùng một giống, cùng cách chăm sóc và trong cùng khoảng thời gian nên đã giúp giảm đáng kể sâu bệnh. Đây là điều kiện để người dân tiết giảm chi phí trong sản xuất. Điểm khác biệt là bà con được hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Bà Trần Thị Xuân, ở thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: "Chúng tôi phun bằng thuốc thảo mộc; ớt, gừng, dấm chua, hành, tỏi, rượu chúng tôi kết hợp lại để phun nên không ảnh hưởng gì đến gạo. Chúng tôi có thể phun hôm nay ngày mai bán cũng được vì thực tế các nguyên liệu đó hàng ngày mình vẫn sử dụng".
Nông dân sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Mường Vi có hơn 387 ha lúa, khoảng 90% diện tích cấy lúa đặc sản Séng Cù. Trung bình mỗi năm, người trồng thu gần 2.000 tấn thóc. Hiện, HTX Hảo Anh và Tiên Phong Mường Vi cùng liên kết tiêu thụ cho nông dân với giá thỏa thuận theo vụ.
Bà Phạm Thị Hảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hảo Anh cho biết: "Đã có vùng nguyên liệu rồi là phải có thị trường tiêu thụ. Hiện tại, chúng tôi có đại lý tiêu thụ sản phẩm ở 5 tỉnh. Tới đây, tôi sẽ mở rộng thị trường gạo Séng Cù Mường Vi trên cả nước để tiêu thụ hết sản lượng lúa Séng Cù cho bà con".
Mường Vi là vùng nguyên liệu để sản xuất lúa đặc sản được cấp sao OCOP. Vì thế, trong quá trình sản xuất, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật do đơn vị liên kết đề ra, từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại đến việc thu hoạch. Để thực hiện được điều này thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng để mối liên kết thực sự bền chặt.
Ông Tẩn Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết thêm: "HTX đã làm việc với từng hộ gia đình, cung cấp giống lúa cho họ sản xuất và đảm bảo đầu ra cho bà con Nhân dân".
Đặc sản gạo Séng Cù Mường Vi đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước.
Với những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt của gạo đặc sản séng cù Mường Vi. Việc liên kết bền chặt giữa các HTX với các hộ dân đã giúp nông sản đặc sản của Mường Vi có thị trường rộng mở trong cả nước.
Ngọc Hà - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết