Laocaitv.vn - Tía tô vốn là một loại rau gia vị, nhưng trong Dược điển Việt Nam, thì đây lại là một vị thuốc tốt. Do vậy, một số HTX của Lào Cai đã phát triển thành các sản phẩm tiện ích khi sử dụng, mang lại giá trị cao cho người trực tiếp sản xuất và đơn vị liên kết chế biến.
30 ha cây tía tô, giống lá đỏ và xanh của HTX Sapa Secrets đều được liên kết với các hộ dân địa phương. Từ cây trồng này, chị Trần Thị Xuân đã tạo ra 20 dòng sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh và làm đẹp. Năm nay, dự kiến thu mua được 200 tấn nguyên liệu từ các hộ dân và thành viên HTX. Với mức giá 15.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. "Năm ngoái thì 10.000 đồng/kg, năm nay thì 15.000 đồng/kg. Bán cho Xuân, thu là có tiền, cắt ngọn đủ tiền rồi", chị Phàn Tả Mẩy, thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Chị Trần Thị Xuân, Giám đốc HTX Sapa Secrets, thị xã Sa Pa cho hay: "Để đảm bảo chất lượng của cây tía tô, chúng tôi cũng phải lựa chọn những địa hình phù hợp, thường ở độ cao trên 1.000 m và ở đó, lực lượng lao động còn dồi dào để mình có thể kết hợp với người dân để liên kết sản xuất".
HTX Thế Tuấn, huyện Văn Bàn nghiên cứu, sản xuất thành công trà từ búp cây tía tô.
Bổ sung thêm một loại trà dược liệu cho thị trường đồ uống cao cấp của cả nước, HTX Thế Tuấn, huyện Văn Bàn đã nghiên cứu, sản xuất thành công trà từ búp cây tía tô. Ứng dụng kỹ thuật trong sao chè xanh thủ công, búp tía tô được sao sấy trở thành sản phẩm OCOP năm 2022. "Chúng tôi đã đầu tư máy sao vò, áp dụng công nghệ làm trà tía tô thành công. Máy sao vò thì đã tăng năng suất và giảm sức lao động của người dân. Quan trọng nhất là thị trường, luôn luôn mình phải có sáng tạo, có hướng đi khác, riêng biệt", anh An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thế Tuấn, huyện Văn Bàn nói.
Tía tô là cây gia vị nhưng có tác dụng chữa bệnh trong y học. Loại cây này được người dân trồng nhiều. Vùng nguyên liệu sẵn có, vấn đề còn lại là công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ cần được các doanh nghiệp, HTX quan tâm. "Sản phẩm này không thể tiêu thụ thô mà phải chế biến sâu, càng sâu giá trị càng cao. Chính vì vậy, cần có doanh nghiệp lớn, đủ tầm để liên kết, chế biến sâu sản phẩm. Quan trọng nhất là đầu ra, tức là doanh nghiệp có thể tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm", ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 3.600 ha cây dược liệu các loại, sản lượng đạt hơn 18.100 tấn/năm, giá trị bình quân khoảng 390 tỷ đồng. Việc một số HTX, doanh nghiệp sản xuất thành công các sản phẩm từ cây tía tô không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, mà còn nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều vùng nông thôn của Lào Cai.
Ngọc Hà – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết