Laocaitv.vn - Thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn biến ngày càng phức tạp. Tâm lý tránh phiền phức đã khiến người tiêu dùng bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình. Vấn đề này đòi hỏi cần nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền của người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng liên tục phát hiện và xử lý các vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử như vụ việc ngày 21/12/2018, tại số nhà 92, đường Phùng Chí Kiên, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện hơn 2.080 lít rượu ngô bao tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng để lưu thông trên thị trường. Hay vụ tiến hành kiểm tra, phát hiện lô hàng gồm 24.000 quả trứng gà không có hóa đơn chứng từ đi kèm tại khu vực cầu chui phường Lào Cai, thành phố Lào Cai hồi cuối tháng 1 vừa qua. Gần đây nhất là vụ việc phát hiện, thu giữ, xử lý gần 5.000 que kem nhập lậu được tập kết tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai hôm 13/3. Ngoài ra, hàng trăm kg nội tạng động vật, chân gà đông lạnh, trứng non không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được lực lượng chức năng Lào Cai phát hiện, thu giữ và xử lý tiêu huỷ theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu tại 464 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tết. Theo đó, có 64 cơ sở vi phạm, với các hành vi như: Kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không mang, mặc trang phục bảo hộ lao động khi chế biến thức ăn…
Lực lượng chức năng tiêu hủy hơn 2.080 lít rượu ngô bao tử được pha chế từ nước lã, phẩm màu và cồn công nghiệp.
Từ thực tế vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn là tâm lý chung của rất nhiều người tiêu dùng. Rõ ràng lo lắng đó là có cơ sở khi các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ khá phổ biến trên thị trường. Chị Nguyễn Trúc Quỳnh ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai cho rằng, chưa bao giờ việc đi chợ lại khó khăn với người nội trợ như hiện nay, chị Quỳnh chia sẻ: "Mỗi khi lựa chọn thực phẩm ở chợ rất khó để phân biệt được đâu mới là thực phẩm an toàn; người bán thì khẳng định là thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm".
Không chỉ lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà hiện nay người tiêu dùng còn chịu nhiều rủi ro khi thực hiện các phương thức giao dịch, mua sắm. Do tâm lý còn e ngại, chưa ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình nên nhiều người tiêu dùng dễ dàng bỏ qua khi bị xâm phạm quyền lợi. Như câu chuyện của anh Hoàng Văn Chung ở Duyên Hải, thành phố Lào Cai là một ví dụ. Vì tin tưởng vào những lời giới thiệu sản phẩm điện thoại trên mạng kèm với mức giá hấp dẫn, lại chưa tìm hiểu kỹ sản phẩm, cũng như chế độ bảo hành, nên khi điện thoại 'dính' lỗi anh Chung mang đến cửa hàng bảo hành thì bị nhân viên ở đây viện lý do để từ chối bảo hành... Anh Chung chia sẻ: "Tôi có tham khảo và mua trên mạng một chiếc điện thoại với mức giá rẻ hơn nơi khác, nhưng trong quá trình sử dụng máy bị lỗi màn hình, khi đem đến cửa hàng bảo hành họ đã từ chối với lý do màn hình không có trong danh mục được bảo hành, tôi đành bỏ thêm tiền để thay màn hình khác".
Không chỉ có anh Chung mà rất nhiều người tiêu dùng khác đã chấp nhận thiệt thòi khi mua phải hàng kém chất lượng và tự rút ra bài học không bao giờ mua hàng ở nơi đó nữa. Nhưng những người không biết vẫn cứ mua và lại tiếp tục rút kinh nghiệm. Mọi người cứ rút kinh nghiệm âm thầm còn nhà sản xuất cứ thu bộn tiền. Tâm lý chung là giá trị sản phẩm chẳng đáng là bao, khiếu nại thì tốn thời gian và tiền bạc mà chưa chắc đã thu được gì.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Thiết nghĩ, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Để có những loại hàng hóa an toàn cho sức khỏe, rất cần các nhà sản xuất, kinh doanh có tâm. Bên cạnh đó là vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và sự thông thái của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Bá Bình, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai cho biết: "Cục Quản lý thị trường tỉnh đã giao cho các đội quản lý thị trường tập trung triển khai kiểm tra, tuyên truyền về hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện dự án về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo. Ngoài ra, các đội quản lý thị trường cũng kiểm tra niêm yết giá, hàng quá hạn sử dụng để kịp thời xử lý".
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019 có chủ đề: "Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững". Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm. Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lấy đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hướng dẫn sử dụng, bảo hành và lưu giữ cẩn thận. Thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không an toàn, hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng... Đối với các tổ chức, doanh nghiệp cần ý thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Nguyễn Tâm
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết