Nâng tầm giá trị nông sản, đặc sản bằng cánh đồng 1 giống

14:33 13-10-2022 | :225

Laocaitv.vn - Với mục tiêu nâng cao giá trị giống lúa đặc sản Séng Cù, tại 2 vùng sản xuất trọng điểm là Mường Khương và Bát Xát đã triển khai mô hình cánh đồng 1 giống. Với ưu điểm sản xuất tập trung, sử dụng một loại giống lúa, áp dụng kỹ thuật canh tác, cách làm này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế của giống lúa đặc sản mà còn thay đổi tập quán canh tác của bà con.

Trên chân ruộng của gia đình, trước đây bà Lù Hòa Sinh ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương cũng như các hộ khác trong thôn gieo cấy (ảnh trên) với nhiều giống lúa khác nhau. Nhưng khi được qui hoạch là vùng sản xuất lúa đặc sản, tất cả bà con đều cấy giống lúa Séng Cù. Bà Lù Hòa Sinh, thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương chia sẻ: "Nhà tôi năm nay cấy xong rồi, nhưng mà cấy mỗi giống lúa Séng Cù thôi".

Tương tự Nấm Lư, tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát dù là địa bàn trọng điểm canh tác giống Séng Cù, những năm trước đây, trên cánh đồng thôn Lâm Tiến, bà con vẫn sử dụng 1 số giống lúa khác nhau, dẫn đến thời điểm gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch khác nhau. Tuy nhiên, từ khi sản xuất theo mô hình cánh đồng 1 giống, thì hiệu quả kinh tế đã khác. Ông Vũ Đức Kiên, Trưởng thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: "Sau khi triển khai sản xuất giống lúa 1 giống ở trên cánh đồng của thôn thì hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con rất là lớn, so với trước đây thì cấy giống lúa lai, giống lùa thuần chúng khác".

Nhờ có mô hình cánh đồng lúa 1 giống nên hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con nông dân là rất tốt.

Theo qui hoạch, vùng sản xuất 1 giống lúa Séng Cù của Mường Khương tập trung tại 4 xã gồm: Nấm Lư, Bản Lầu, Lùng Khấu Nhin và Bản Sen, với khoảng 400 ha. Năng suất đạt 50 tạ/ha, giá trị thu nhập 80 triệu đồng, cao gấp đôi so với các giống lúa khác. Còn tại Mường Vi, huyện Bát Xát cũng đã quy hoạch vùng trồng lúa Séng Cù 2 vụ. Trong đó, vụ xuân 160 ha, vụ mùa 225 ha. Sản lượng đạt trên 22.000 tấn, mang lại nguồn thu trên 32 tỷ đồng cho nông dân. Ông Tần Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: "Phát triển hàng hóa theo Nghị quyết 10 thì xã phục tráng lại giống Séng Cù và tới đây sẽ đưa vào sản xuất giống lúa hữu cơ. Tuy nhiên cái này xã đang làm, để vận động tất cả hộ dân xung quanh nằm ở lưu vực vùng nước tốt nhất để đưa vào sản xuất vùng hữu cơ".

Có thể thấy, điểm nổi bật là khi canh tác cánh đồng 1 giống lúa Séng Cù đó là nông dân không chỉ thuận lợi trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, mà còn  góp phần nâng cao giá tri của giống lúa đặc sản Séng Cù, thay đổi tư sản xuất từ chính người nông dân./.

Việt Hùng – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết