Ngày mới ở bản Cao Sơn

16:55 12-04-2019 | :805

Laocaitv.vn - Thời gian gần đây, tại các địa phương vùng cao Lào Cai, người nông dân đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi sản xuất, tự tìm những hướng đi mới để cải thiện cuộc sống. Chính sự tích cực ấy đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo của những bản nghèo vùng cao. 

Bí thư Chi bộ Lý Tiến Thanh là một trong những người đầu tiên đưa cây quế về trồng tại bản Cao Sơn, mong muốn tìm một hướng thoát nghèo cho bà con nhân dân, hơn 20 năm về trước, ông Thanh đã lặn lội về tận đất quế Văn Yên, Yên Bái và những vùng trồng quế có tiếng ở Lào Cai để mua giống, học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật, đưa cây quế về với đất đồi Cao Sơn. Và cây chẳng phụ lòng người, đồi quế của gia đình ông Thanh đã cho thu hoạch sau 15 năm trồng và chăm sóc, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Noi gương Bí thư Chị bộ Lý Tiến Thanh, từ 50 hộ thí điểm trồng quế vào những năm 90, đến nay hầu như tất cả các hộ dân ở Cao Sơn đã tham gia trồng, với diện tích quế lên đến 140 ha. Ông Lý Tiến Thanh, Bản Cao Sơn, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Nhờ tuyên truyền, vận động, bà con ở đây cũng biết được cây quế là cây có giá trị kinh tế cao, nên cùng nhau trồng, đến nay, kinh tế các gia đình cũng đi lên. Cách đây 2 năm có 48 hộ nghèo, đến giờ chỉ còn có 12 hộ nghèo".

Bí thư Chi bộ Lý Tiến Thanh là một trong những người đầu tiên đưa cây quế về trồng tại bản Cao Sơn

Để nâng cao hiệu quả trồng quế, tại Cao Sơn còn hình thành những tổ nhóm liên kết để cùng phát triển, mô hình tổ hợp tác trồng quế của đoàn viên thanh niên Cao Sơn là ví dụ tiêu biểu. Những đồng vốn đầu tiên có được thông qua việc Bí thư Chi đoàn Triệu Văn Tiến huy động đoàn viên thanh niên mượn đất trống của bà con trong bản đã trồng 1 vụ sắn. Và 5 ha quế đã được hình thành, sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay, đã có hơn 40 thanh niên trong bản tham gia mô hình, và họ đã bắt đầu thu được những thành quả đầu tiên sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Anh Triệu Văn Tiến, Bí thư Chi đoàn bản Cao Sơn, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên cho biết: "Năm ngoái tôi thu được 36 triệu đồng từ trồng quế, nhờ cây quế mà trong bản không có thanh niên nào đi làm ăn xa, đều ở lại quê hương để trồng quế, phát triển kinh tế gia đình".

Cách đây 2 năm bản Cao Sơn có 48 hộ nghèo, đến giờ chỉ còn có 12 hộ nghèo

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, những năm gần đây, Đảng uỷ, chính quyền xã Kim Sơn xác định đây là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, từ đó vận động, tuyên truyền người dân ở Cao Sơn nói riêng, ở trên địa bàn toàn xã nói chung chuyển đổi từ đất lâm nghiệp kém hiệu quả thay thế bằng loại cây trồng này. Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tranh thủ các nguồn hỗ trợ, giúp người nông dân có thêm động lực lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới. 

Tự tin với hướng đi mới, chủ động tiếp cận ứng dụng khoa học kĩ thuật, những yếu tố đó đã góp phần mang đến thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở bản nghèo năm xưa. Và ngày mới ở Cao Sơn, giữa màu xanh ngút ngàn của những đồi quế tươi xanh, bừng lên sức sống mới với những nếp nhà khang trang mang bình yên, no ấm.

Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết