Người nông dân ở Tân Thượng với khát vọng làm giàu từ cây hồng bản địa

20:23 19-02-2024 | :166

Laocaitv.vn - Hồng ngâm không hạt là loại cây trồng bản địa, gắn bó lâu đời với bà con nông dân xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn. Mong muốn khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế của những vùng đất đồi, nâng cao giá trị cây trồng truyền thống, nông dân Phạm Văn Lợi, ở thôn Tân Lập đã xây dựng mô hình trồng hồng không hạt, gắn với những ý tưởng phát triển mới, huy động người dân địa phương cùng đồng hành mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khoảng 4 tháng trước, cây hồng không hạt ở Tân Thượng bắt đầu rụng lá, bước vào thời kì nghỉ đông. Nhưng hàng ngày, ông Phạm Văn Lợi, ở thôn Tân Lập, xã Tân Thượng vẫn cần mẫn ngoài nương, tích cực chăm bón cho từng gốc hồng. Được chăm sóc đúng kĩ thuật, chỉ ít ngày nữa, những cành cây khẳng khiu sẽ lại xanh tươi, báo hiệu cho một vụ hồng bội thu.

Ông Phạm Văn Lợi cho biết: "Thường thường cây nghỉ đông để lấy lại dinh dưỡng, ra hoa kết trái vào vụ tới. Mình phải phát cỏ để bón phân. Tôi đúc kết kinh nghiệm dần dần, làm thế nào để cây ra hoa kết trái thật sai".

 

Ông Lợi làm cỏ, chăm sóc cho từng gốc hồng.

Vườn hồng không hạt của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, ở thôn Tân Lập có hơn 70 cây, gần 7 năm tuổi. Vụ năm trước, gia đình chị Thơm đã hái bói được hơn 1 tạ quả. Quyết tâm chuyển từ đồi trồng sắn bạc màu sang trồng cây ăn quả, gia đình chị Thơm nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người hàng xóm giàu kinh nghiệm Phạm Văn Lợi.

Chị Thơm chia sẻ: "Là người tiên phong trồng cây hồng nên chú Lợi có rất nhiều kinh nghiệm. Để cây hồng phát triển tốt, trồng mật độ dày mỏng thế nào thì tôi cũng tham khảo và nhờ chú chia sẻ kinh nghiệm. Cây hồng trồng một lần nhưng thu được rất lâu, hiệu quả kinh tế cao nên chúng tôi lấy giống và nhân rộng mô hình".

 

Gia đình chị Thơm được ông Lợi giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc để cây phát triển tốt.

250 đến 300 triệu đồng mỗi năm là khoản thu nhập mà cây hồng không hạt mang lại cho gia đình ông Phạm Văn Lợi. Hiện, ông Lợi có khoảng 6 ha cây hồng, trong đó có 2,5 ha với hơn 250 gốc đã cho thu hoạch ổn định. Diện tích canh tác càng mở rộng, ông Lợi cũng tính toán nhiều hơn tới vấn đề thị trường tiêu thụ, chế biến quả, tránh tình trạng "được mùa, mất giá". 

"Đã thành lập được hợp tác xã, các nhóm hộ gia đình cùng tập trung vào để làm thật tốt, có hiệu quả cao và tìm thị trường. Bây giờ đang làm lò sấy và ủ dấm hồng chín để bán cho các địa phương xa", ông Lợi cho biết thêm.

Ông Chu Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn cũng cho biết: "Từ mô hình của anh Lợi cùng với sự tuyên truyền của UBND xã, nhận thấy thu nhập từ cây hồng khá là cao, theo đấy Nhân dân cũng đã trồng rất nhiều. Toàn bộ khu vực đồi thấp, người dân đã trồng kín".

Nông dân xã Tân Thượng sẽ giàu lên từ chính mảnh đất quê hương mình, đây là ước mơ của  ông Phạm Văn Lợi, cũng như bà con nơi đây. Cần cù, chịu khó và tâm huyết, ông Phạm Văn Lợi quyết tâm nhân lên những mùa quả ngọt, mang no ấm cho dải đất ven sông này.

Thu Hường - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết