Người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa lao đao vì không có nơi tiêu thụ

16:00 03-04-2020 | :1345

Laocaitv.vn - Từng được ví von như loài cá “quý tộc” được nuôi dưỡng trên những vùng núi cao, cá hồi, cá tầm đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ loài cá này. Đây cũng là loại cá gắn với khu du lịch Sa Pa mỗi khi du khách đến địa phương này tham quan và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch lên Sa Pa sụt giảm mạnh, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn khó khăn, khiến cho các trang trại nuôi cá hồi, cá tầm Sa Pa cũng lâm vào cảnh lao đao bởi không có nơi tiêu thụ.

Những ngày này, người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa đang dùng đủ mọi cách để tiêu thụ cá, song cũng không được là bao. Hàng tấn cá đến tuổi xuất bán vẫn nằm im dưới các hồ nuôi. Gần 01 tháng trở lại đây, mỗi ngày, những thành viên trong gia đình anh Trần Chung Hưng, Hợp tác xã Chế biến thủy sản nước lạnh Sa Pa lại cặm cụi đăng tin rao bán cá hồi, cá tầm lên các trang mạng xã hội tìm mối tiêu thụ cá, được con nào hay con nấy để bớt gánh nặng thua lỗ. Tuy vậy, dù đã "cày ngày, cày đêm" trên mạng, nhưng lượng sản phẩm bán ra chỉ nhỏ giọt, được khoảng vài tạ/ngày. Từng vang danh cả vùng về kinh nghiệm và thành công trong nghề nuôi cá nước lạnh, anh Hưng còn sở hữu hệ thống nhà hàng đắt khách nhất, nhì ở khu du lịch Sa Pa, với doanh thu mỗi năm lên đến cả chục tỷ đồng, nhưng từ khi xảy ra dịch Covid-19, mọi đầu mối tiêu thụ cá đều không còn nhập hàng, khiến vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ. Dù quá mệt mỏi, nhưng anh chị vẫn không dám buông bỏ, vì các khoản chi phí thuê cửa hàng bán cá, thức ăn chăn nuôi cho trên dưới 10 tấn cá nằm bể vẫn phải chăm sóc, tiêu thụ. Anh Trần Chung Hưng chia sẻ: “Trước ngày 01/4 thì chúng tôi đã rất nỗ lực để tiêu thụ thông qua các trang bán hàng trên mạng, chia sẻ của cộng đồng mạng, lượng tiêu thụ gọi là túc tắc để giải quyết khó khăn, để có thể đủ tiền mua thức ăn cho cá, để duy trì cho con cá sống ổn định. Thế nhưng mà tất cả mọi giao thông đi lại đều gần như bị hạn chế, cho nên thời gian tới thì sẽ rất khó khăn. Nếu không có phương tiện chuyên chở thì không có cách nào trụ lại được, để tiếp tục duy trì được nữa".

Các trang trại nuôi cá hồi, cá tầm ở Sa Pa đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Cùng trong tình cảnh với gia đình anh Trần Chung Hưng, nhiều chủ trại cá, chủ nhà hàng từng có doanh thu vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng từ việc kinh doanh cá đặc sản, song đến giờ cũng như đang "ngồi trên đống lửa". Anh Lê Thanh Hải, Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Hồ, Sa Pa hiện vẫn đang còn tồn trên 20 tấn cá thương phẩm đang chờ xuất bán. Tuy nhiên, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng cá tiêu thụ ra thị trường là khá nhỏ giọt, trong khi đó, để duy trì lứa cá xuất bán, mỗi ngày, anh Hải phải bù lỗ gần chục triệu đồng tiền thức ăn. Anh Hải chia sẻ: "Nếu trong một vài tháng tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thì chỉ riêng nguồn cung thức ăn sẽ không đủ, bởi đây đều là sản phẩm nhập khẩu". Giải pháp tiêu thụ cá hồi, cá tầm thời điểm này được anh Hải và các chủ trang trại thực hiện là chế biến thành nhiều sản phẩm khác có thể để lâu dài, song song với đó tìm các đầu mối là cửa hàng bán thực phẩm sạch tiêu thụ cá tươi..., tuy nhiên, số lượng tiêu thụ cũng rất hạn chế. Nguyên nhân một phần là do thói quen tiêu dùng của người dân, bởi cá hồi, cá tầm Sa Pa chủ yếu cung cấp cho nhà hàng, khách sạn. Tuy có nhiều dưỡng chất, nhưng đòi hỏi phải biết chế biến, do đó không được người dân sử dụng đại trà trong bữa ăn hằng ngày. Nếu như trước đây, giá cá hồi đều ở mức cao khoảng 220.000 đồng/kg thì hiện giá cá đang rất thấp, chỉ khoảng 180.000 đồng/kg, tuy giá cá hồi thời điểm này đã giảm mạnh, nhưng cũng rất khó tiêu thụ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Pa, hiện nay Sa Pa có khoảng 100 tấn cá nước lạnh đang đến thời kì xuất bán. Việc tiêu thụ cá nước lạnh tại Sa Pa đang gặp nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp địa phương đang khuyến khích các cơ sở sơ chế, chế biến cá hồi để có thể bảo quản, xuất bán, mở rộng thị trường ngoài thị xã, ngoài tỉnh. Hiện nay, đã có khoảng 5 - 7 cơ sở đến bao tiêu mặt hàng cá nước lạnh qua sơ chế, để giảm sức ép cho người nuôi cá. Không chỉ với cá nước lạnh, một số mặt hàng chủ yếu phục vụ hoạt động du lịch như dâu tây, hoa, một số loại quả…, cũng đang gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường. Bà Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Pa cho biết: “Phòng đang tích cực tìm kiếm thị trường để liên kết tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân Sa Pa, trong đó có mặt hàng các nước lạnh. Cái khó khăn hiện tại trên địa bàn, sản lượng cá nuôi còn lại rất lớn. Hiện tại phòng cũng đã làm việc với các ngân hàng, rà soát các hồ sơ sẽ giảm lãi suất theo chỉ đạo của tỉnh. Cũng kết nối với Sở Công thương qua các đầu mối để tiêu thụ cá cho bà con”.

Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đã làm ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và cuộc sống của người dân. Do đó, những người nuôi cá hồi, các tầm cũng cần phải có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của mình để phù hợp hơn với tình hình chung của cả nước. Cùng với đó, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng cần đồng hành với bà con trong việc thực hiện giãn nợ, giảm lãi suất…, có thêm các chương trình hỗ trợ vốn vay để tái sản xuất trong thời gian sắp tới. Qua đó, vực dậy lại một ngành sản xuất vốn đã là biểu tượng của vùng đất du lịch Sa Pa./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết