Những vấn đề đặt ra trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ quả dứa ở Lào Cai
16:11 06-03-2022
| :1153
Laocaitv.vn - Xã Bản Lầu huyện Mường Khương – thủ phủ của cây dứa Lào Cai. Cả chục năm trước, nông dân nơi đây đã có thể chở nông cụ trên xe ô tô để đi làm cỏ cho cây dứa. Có những thời điểm, dứa quả được thương lái đặt mua cả chục ha khi quả còn non. Nhưng hiện nay, dứa để chín trên nương bởi không có người thu mua. Nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước đang căng mình lo đầu ra cho hàng chục nghìn tấn dứa quả của Lào Cai đang vào vụ thu hoạch.
Dứa Lào Cai đang vào chính vụ. Mỗi nương dứa trước kia đến ngày thu quả có cả trăm người cùng làm thì nay đang phải để lại trên nương. Những quả dứa để lại cả phần lá được thương lái mua nhỏ lẻ và là loại quả đẹp để bán lẻ trên thị trường, nhưng cũng vài ngày mới được 1 chuyến. Chị Nguyễn Thị Hà, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương chia sẻ: "5 ngày nay tất cả các nhà máy đã ngừng hoạt động, ở Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên ngừng hết. Cũng chẳng biết làm sao cả, bây giờ dứa đang chín nhiều, chúng tôi muốn kêu gọi giải cứu dứa cho Lào Cai".
Quả dứa ngả màu vàng từ 2 đến 5 hàng mắt là đủ tiêu chuẩn thu hoạch, nhưng hiện dưa không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do dịch bệnh, tiêu thụ nội địa giảm và Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương tạm dừng thu mua vì hỏng thiết bị. Anh Hoàng Khái Lìn, thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi chẳng biết làm thế nào cả, để đây chờ nhà máy mua được cho thì tốt, mà không để chín bán ra chợ được đồng nào thì được. Họ trả có 3.700 đồng nhưng mà tôi cũng không cân nữa. Chúng tôi rất khó khăn".
Trước đây, việc trồng dứa, bán dứa với Trung Quốc được xuất phát từ các hộ gia đình, đặt hàng cá nhân, mua bán cá thể theo hình thức giữ chữ tín. Nhưng từ 2 năm nay, phía nước bạn thắt chặt quản lý biên mậu, sản phẩm dứa Lào Cai chưa có mã vùng trồng nên cũng không được coi là mặt hàng nhập khẩu chính ngạch. Anh Sùng A Phử, thôn Tân Giang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cho biết: "Chỉ mong là chính quyền địa phương, Nhà nước tạo điều kiện để tìm được đầu ra cho dân. Theo giá thị trường thì năm nay có thể bán được sang năm lại không bán được, cái này do thị trường".
Bà con nông dân đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ dứa. Hiện cũng đã bước vào vụ thu hoạch nhưng cả chục nghìn tấn dứa chưa biết tiêu thụ như thế nào khi dịch bệnh đang tác động rất lớn đến các chuỗi cung ứng. Lúc này, việc liên kết tiêu thụ là hết sức quan trọng để cùng chia sẻ khó khăn và đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.
Gần 20 năm gắn bó với cây dứa, nông dân Bản Lầu có nhiều kinh nghiệm canh tác. Bà con tự học nhau để mở rộng diện tích lên hơn 1.000 ha như hiện nay. Khi Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương hoạt động, bà con đều vui mừng. Tuy nhiên làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa bên trồng và bên thu mua. Anh Nông Văn Được, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương chia sẻ: "Nhà máy đã xuống thôn phổ biến. Chúng tôi mong muốn là không chênh lệch quá là được. Giá cả ổn định thì bán cho nhà máy vẫn hơn".
Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "Chính quyền vận động người dân hợp tác với nhà máy, liên kết tiêu thụ sản phẩm về lâu dài, giá ổn định. Kinh nghiệm cho thấy, bắt buộc phải có bao tiêu sản phẩm, phải có hợp đồng thì mới ổn định được".
Ngày 7/4/2021, Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương chính thức đi vào hoạt động, nhưng tới thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa ký được hợp đồng trực tiếp với hộ dân, hay tổ hợp tác, bởi chưa có được giá cung cấp thỏa đáng. Nhà máy đưa ra giá 4.500 đồng/kg tại mọi thời điểm, nhưng có những lúc dứa khan hiếm, bà con bán được giá cao hơn, nên chưa mặn mà ký hợp đồng tiêu thụ. Ông Hoangd Phú Cường, Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương cho biết: "Nhà máy cũng họp nhiều lần rồi. Chúng tôi cũng muốn thành lập các tổ hợp tác liên kết với bà con, với nhà máy, để đạt được hiệu quả tốt nhất, vừa có lợi cho bà con, nhà máy cũng không bị ảnh hưởng".
Vậy nhưng, từ thực trạng những ngày qua khi mà dứa của bà con không thể tiêu thụ được cho thấy, đã đến lúc, người dân cần tính đến yếu tố sản xuất lâu dài và bền vững. Trong đó vai trò điều tiết của Nhà nước, của cơ quan quản lý cũng hết sức quan trọng. Ông Hà Ngọc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai cho biết: "Nhà nước giữ vai trò tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vi phạm trong hợp đồng. Doanh nghiệp tăng cường vai trò dẫn đầu trong chuỗi liên kết, định hướng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Doanh nghiệp liên kết với người dân chắc chắn phải thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã".
Hiện các đơn vị đã dừng thu mua quả dứa, nông dân trồng dứa lo lắng tìm đầu ra.
Nghị quyết số 10 của tỉnh về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, dứa là một trong những cây trồng chủ lực. Vì vậy, tỉnh cũng xác định rõ vùng trồng và có cơ chế chính sách để phát triển bền vững loại cây trồng này.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 2.000 ha dứa. Riêng huyện Mường Khương chiếm khoảng 70% diện tích. Các địa phương xem đây là cây trồng thế mạnh, cần được khuyến khích phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, huyện Mường Khương cho biết: "Nếu như có mã vùng trồng cho dứa thì việc xuất bán cho các doanh nghiệp, khách hàng nhập sản phẩm sẽ tin tưởng, có thuận lợi hơn. Nâng cao nhận thức người dân về chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm không đảm bảo sẽ truy xuất được và người dân trồng dứa phải có trách nhiệm".
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết: "Quan trọng là gắn kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Huyện sẽ hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thay đổi từ khâu lựa chọn giống, kỹ thuật trồng theo hướng an toàn như hiện nay".
Thực tế, nông dân trồng dứa đã có thể rải vụ, nhưng ở diện tích nhỏ và chưa có kế hoạch tổ chức sản xuất. Theo Nghị quyết 33 năm 2021 của HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết 26 năm 2020 quy định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thì mỗi ha trồng dứa rải vụ được hỗ trợ 15 triệu đồng và được hỗ trợ thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân đó là hợp tác xã.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Sở Nông nghiệp đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, hướng dẫn các thời vụ chính và rải vụ dứa. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 33 quy định 1 số chính sách, trong đó có đề cập đến nội dung này".
Theo thống kê thì 60% sản lượng dứa của Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương được xuất khẩu sang Nga và Ucraina. Chiến sự tại hai quốc gia này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sản phẩm dứa Lào Cai trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài, nông sản nói chung, nông sản xuất khẩu nói riêng cần thiết phải có mã vùng trồng, có truy xuất nguồn gốc để có đủ các điều kiện khi tham gia thị trường quốc tế. Đó là yêu cầu tất yếu khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhóm PV
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết