Nỗ lực để có sản phẩm OCOP trên vùng đất khó

10:01 05-09-2020 | :585

Laocaitv.vn - Với địa hình chia cắt, 2 vùng khí hậu riêng biệt, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai không thể hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tạo ra được sản phẩm đặc hữu của địa phương. Tuy nhiên, nghề may trang phục thổ cẩm truyền thống ở địa phương lại khá phát triển. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Sán Chải đã tập trung thực hiện khôi phục và phát triển nghề thêu thổ cẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.

Vẫn là trang phục truyền thống của dân tộc Mông nhưng thời gian gần đây chị Sùng Thị Cú, thôn Sán Chải, huyện Si Ma Cai đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để tạo ra những mầu sắc, họa tiết hoa văn mới trong các trang phục mà chị may. Từ đó, đưa sản phẩm thổ cẩm của chị trở thành một loại hàng hóa trên thị trường.

Chị Cú tự thiết kế, tự may các sản phẩm của mình.

“Mình mong muốn bảo tồn được bản sắc của dân tộc mình, đồng thời tạo thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để làm được thế mình phải vừa là người may vừa là người thiết kế và khi may mẫu thì cũng phải thay đổi thường xuyên để mọi người thấy đẹp và thích mặc. Mình phải đầu tư cả sức lực và trí tuệ để tạo ra những sản phẩm tốt, lạ và đẹp mắt nhất”, chị Sùng Thị Cú chia sẻ.

Để nghề may trang phục truyền thống bằng thổ cẩm ở Sán Chải có chỗ đứng trên thị trường thì khoảng 30 hộ gia đình may trang phục truyền thống bằng thổ cẩm trên địa bàn xã đã bắt đầu thực hiện liên kết với nhau để cùng sản xuất và cùng tiêu thụ sản phẩm. Ý tưởng này của bà con hiện đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp ủy chính quyền địa phương.

Thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng.

“Chúng tôi lựa chọn xây dựng thổ cẩm thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là sản phẩm khá kén người tiêu dùng nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo anh em thành lập các tổ, đội để từ đấy định hướng cho người dân sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mẫu mã đẹp. Các sản phẩm làm ra một số bán buôn được, còn đa số bà con bán lẻ nên chúng tôi sẽ kết nối, quảng bá sản phẩm thổ cẩm của Sán Chải và tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Hữu Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết.

Với sự những giải pháp cụ thể, phù hợp của chính quyền địa phương, hy vọng xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai sẽ thành công trong việc đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, biến tinh hoa văn hóa của cha ông thành nguồn thu giúp người dân địa phương cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết