Nông dân gặp nhiều khó khăn khi chạy đua chăn nuôi lợn

15:31 18-09-2017 | :608

Đến thời điểm hiện tại thì giá lợn hơi ở tỉnh Lào cai đang dao động ở mức từ 28 đến 32 nghìn đồng mỗi kg. Mức giá này là quá thấp và nếu không tính toán chặt chẽ thì nhiều hộ đang bị thua lỗ nặng. Khi lợn hơi lên giá thì nông dân tự mở rộng quy mô chăn nuôi, nhưng khi xuống giá quá thấp và kéo dài hơn một năm nay thì nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống vì thế mà lại khó khăn hơn trước.

Những con lợn đến tạ rưỡi của gia đình anh Lâm ở thôn Phú An 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng đã không kịp bán vào thời điểm giá lên trên 40 nghìn đồng mỗi kg, anh đã phải cho ăn cầm chừng để đợi giá. Càng đợi, giá lợn hơi càng xuống và hiện chỉ ở mức 29 đến 32 nghìn đồng mỗi kg, nhưng cũng có rất ít thương lái đến mua.Lợn nái đến lứa vẫn đẻ, lợn choai vẫn phải nuôi và lợn thịt thì không bán được đã đẩy những gia đình chăn nuôi quy mô lớn như anh Lâm đứng trước nhiều khó khăn.Duy trì số lượng đàn lợn là điều không thể làm được lúc này.

Anh Lâm nhận thấy rõ, việc thiếu sự tư vấn, không liên kết để có đầu ra ổn định và thiếu quy hoạch cụ thể đã làm nhiều nông dân chăn nuôi lợn như anh lâm vào hoàn cảnh khốn đốn.

Mặc dù không nằm trong vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh, nhưng xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn cũng xem phát triển kinh tế từ chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính. Có đến 80% số hộ dân ở xã này nuôi lợn từ chục con trở lên mỗi lứa, khi lợn hơi xuống giá thì cơ bản hộ dân nào của xã cũng bị ảnh hưởng.

 Gia đình chị Trần Thị Kim ở thôn Trung Sơn là một trong 10 hộ nuôi lợn quy mô mỗi lứa hàng trăm con đã phải để trống chuồng từ hai tháng nay. Không đủ sức để cầm cự, thời điểm giá xuống thấp nhất là 18 nghìn đồng thì gia đình đã buộc phải bán để gỡ một phần vốn trả nợ tiền thức ăn đã ứng trước. 5 con lợn nái còn lại giờ chỉ ăn ngày hai bữa cầm chừng và nếu lợn lên giá trở lại thời gian tới thì gia đình cũng khó có nguồn lực để gây dựng lại trại lợn lớn nhất xã Văn Sơn này.

Rõ ràng có một thực tế, khi lợn hơi được giá, nông dân liên tiếp mở rộng quy mô chăn nuôi, liên tục vào những lứa lợn mới và vì thế, khi thị trường không tiêu thụ hết thì lượng lợn trong dân đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ, không xây dựng được các chuỗi sản xuất là thực tế đang đặt ra với ngành chăn nuôi địa phương.

Có nhiều khó khăn khi lợn hơi giá thấp, nhưng những nông dân như anh Đảm ở thôn Cốc Sâm 3 xã Phong Niên vẫn xem chăn nuôi là một nghề và đó là nguồn thu nhập chính của mỗi hộ dân nông thôn. Chuồng trại, con giống đã đầu tư nên cách duy nhất là phải duy trì đàn mặc dù từ cuối năm ngoái đến giờ, gia đình đã lỗ đến gần 300 triệu khi nuôi lợn.

Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh Lào Cai đến năm 2020 thì tổng đàn lợn đạt khoảng 640 nghìn con với sản lượng thịt đạt khoảng 40 nghìn 500 tấn và khi đó mức tăng trưởng bình quân của ngành chăn nuôi dự ước là 4,5%. Tuy nhiên, lượng lợn trong nhân dân thời điểm cuối năm 2016 cũng đã gần đạt mục tiêu đề ra, có nghĩa là việc phát triển đàn đã vượt qua khả năng dự báo của ngành nông nghiệp. Đại diện ngành nông nghiệp cho rằng, những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chỉ vài con sẽ không thống kê được, mà chỉ có những hộ chăn nuôi quy mô lớn mới thuộc diện thống kê.

Cho dù giá có xuống thấp, nhưng chăn nuôi vẫn là nghề của nhà nông. Vì vậy, việc thay đổi thói quen chăn nuôi, không phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp mà chuyển sang thức ăn phối trộn từ những sản phẩm nông nghiệp vào lúc này là cần thiết. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc là điều kiện để nông dân chăn nuôi an toàn và hiệu quả hơn.

Thực hiện: Ngọc Hà – Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết