Nông dân Lào Cai chủ động tự sản xuất thức ăn chăn nuôi

15:37 14-08-2021 | :1334

Laocaitv.vn - Giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức rất cao, trong khi giá thịt hơi lại xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lỗ vốn. Vậy nên, đang xuất hiện ngày càng nhiều các hộ dân và doanh nghiệp ở Lào Cai tự sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí để duy trì hoạt động.

Trại chăn nuôi của Công ty TNHH Anh Nguyên ở huyện Bắc Hà có hơn 1.000 con lợn thịt. Nếu sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp thì mỗi ngày tiêu tốn đến cả chục triệu đồng. Nhưng từ khi cơ sở tự sản xuất thức ăn bằng đậu tương, ngô, thóc cộng với men ủ, cá khô và một số vi lượng khác thì chi phí chăn nuôi đã giảm đi đáng kể. "Công ty đã giảm được nhiều chi phí, đồng thời giúp bà con nông dân tiêu thụ được ngô, thóc và các nông sản của địa phương, công ty cũng chủ động được nguồn thức ăn thô", chị Tô Ngọc Quỳnh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Anh Nguyên cho biết.

Công ty TNHH Anh Nguyên tự sản xuất thức ăn chăn nuôi để tiết giảm chi phí.

8 loại nguyên liệu có sẵn trong nước được anh Lù Chẩn Lèng ở thôn Lùng Phình A, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương phối trộn làm thức ăn cho lợn. Riêng men ủ thì anh cùng với người nhà đã chung tiền để nhập về từ Nhật Bản. 700.000 đồng/kg men, nhưng có thể trộn được 2 tấn thức ăn, ủ trong 10 ngày là đạt tiêu chuẩn. Thành công này đã mở ra điều kiện thuận lợi hơn để anh Lèng phát triển nuôi lợn theo hướng hữu cơ. "Nguyên liệu này trước mắt phục vụ gia đình. Gia đình làm được rồi thì mới mở rộng ra, nhân con giống và cám cung cấp cho bà con. Cám gia đình làm thì tỷ lệ tăng trưởng không bằng loại khác nhưng ăn chất lượng hơn", anh Lù Chẩn Lèng cho biết thêm.

Tự sản xuất được thức ăn chăn nuôi, anh Lù Chẩn Lèng sẽ thuận lợi hơn khi nuôi lợn theo hướng hữu cơ.

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, để khắc phục khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao, nhiều hộ đã trở về với cách nuôi truyền thống. Đó là nấu cám hoặc cho lợn ăn bổ sung thêm ngô nghiền để giảm thiểu lượng thức ăn công nghiệp. 

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Quan trọng nhất là quản lý chất lượng thức ăn, để các phụ gia, chất cấm không được đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng thịt và an toàn vệ sinh thực phẩm".

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trở về với cách nuôi truyền thống, đó là nấu cám cho lợn ăn.

Trong giai đoạn khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì mô hình chế biến thức ăn hữu cơ bằng công nghệ vi sinh, sử dụng thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động đang tỏ ra phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, thậm chí là quy mô hợp tác xã. Việc làm này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, để người chăn nuôi có thể trụ vững và phát triển sản xuất.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết