Nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Cốc Ly, huyện Bắc Hà

22:22 03-08-2021 | :2091

Laocaitv.vn - Khai thác diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Cốc Ly huyện Bắc Hà, nhiều hộ nông dân đã phát triển nghề nuôi cá tầm. Từ đó đã giúp nông dân có cơ hội làm giàu và hướng đến mục tiêu xã Cốc Ly đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Có đủ kiến thức kỹ thuật, anh Giàng Ly Cống ở thôn Cốc Ly Thượng, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà đã làm lồng nuôi để thả gần 1.000 con cá tầm giống. Điểm khác biệt rõ nhất khi nuôi cá đặc sản trong lồng bè, đó là anh Cống sẽ phải cho thức ăn vào sàng để thả xuống nước, cách làm này không bị tiêu hao thức ăn. "Loại cá này ăn chìm nên phải kiếm thức ăn chìm cho cá. Tôi vừa nuôi vừa tìm hiểu để làm sao nuôi cá được tốt nhất", anh Giàng Ly Cống chia sẻ.

Người dân nuôi cá tầm trong lồng bè trên hồ thủy điện Cốc Ly.

Có tiềm lực về kinh tế, hộ gia đình anh Cao Văn Quyền ở thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly đã đầu tư vài chục lồng để nuôi cá tầm. Từ 3 lồng nuôi ban đầu của dự án, hiện anh Quyền đã phát triển được gần 50 lồng nuôi. Khác với nhiều hộ dân, anh Quyền đã liên kết với HTX nông nghiệp Hoa Đào để có đầu ra ổn định ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay.

Ông Hà Mạnh Hùng, cán bộ kỹ thuật HTX Nông nghiệp Hoa Đào cho biết: "Chúng tôi giám sát quy trình nuôi từ lúc thả con giống đến khi trưởng thành thì sẽ thả ra bể nuôi thương phẩm. Trong quá trình nuôi thì khâu phòng bệnh là quan trọng nhất, chúng tôi phòng bệnh cho cá bằng thảo dược".

Hiện số hộ nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Cốc Ly đã giảm do không có đủ kinh phí để duy trì.

Trước đây, khi có các chương trình dự án hỗ trợ, Cốc Ly có đến gần 100 hộ nuôi cá. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc, nhiều hộ không đủ tiềm lực kinh tế để duy trì nên đã bỏ không nuôi cá tầm hoặc chuyển sang nuôi cá chép, cá trắm trong lồng bè. Hiện chỉ còn 25 hộ với 160 lồng cá tầm đang được chăm nuôi.

Bà Lục Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà cho biết: "Những năm trước số hộ đăng ký nuôi cá tầm cũng đông, nhưng một số hộ không có kinh phí để duy trì nên đã bỏ. Nếu bây giờ được đầu tư, hỗ trợ làm lồng, được vay vốn với lãi xuất thấp thì sẽ có khoảng 40 hộ tham gia nuôi cá tầm".

Việc phát triển thủy sản nói chung, cá tầm nói riêng trên hồ thủy điện Cốc Ly là hướng phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả thì rất cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa vận hành, điều tiết nguồn nước của nhà máy thủy điện với việc nuôi cá của nông dân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Khi đó, nông dân sẽ có cơ hội làm giàu thực sự bền vững.

Ngọc Hà – Ngọc Dương – Trung Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết