Phát huy vai trò của phụ nữ trong các mô hình kinh tế tập thể

10:04 07-01-2021 | :90

Laocaitv.vn - Trong thời gian qua, việc thành lập và phát triển các mô hình kinh tế tập thể do hội phụ nữ đảm nhận đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ. Từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Các chị em trong Nhóm sở thích trồng lanh và dệt thổ cẩm xã Hoàng Liên luôn sáng tạo nhiều mẫu sản phẩm phù hợp thị hiếu của khách du lịch.

Thành lập từ năm 2011, Nhóm sở thích trồng lanh và dệt thổ cẩm xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa luôn duy trì trên 10 thành viên thực hiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Ngoài các các sản phẩm thêu tay các thành viên đã sáng tạo may thêm nhiều mẫu sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu du khách, như chăn, các loại túi, ví, quần, áo… Chị Giàng Thị Mẩy, thôn Lao Hàng Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết: “Tôi tham gia nhóm Sở thích trồng lanh và dệt thổ cẩm này cũng giúp cho gia đình kinh tế khá hơn. Vì trước đây gia đình tôi rất khó khăn, tiền chi tiêu trong gia đình không đủ cho con cái ăn học. Giờ thì đã có tiền rồi, mua sách vở cho chúng đi học”.

Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn có 63 thành viên. Sau hơn hai năm hoạt động, đến nay, Tổ hợp tác đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm, từ đó, tạo thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho các hội viên. Chị Thào Thị Sung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Các hội viên làm càng nhiều sản phẩm thì được càng nhiều tiền. Khi các hội viên bắt đầu tham gia tôi sẽ ứng cho họ một khoản tiền để mua nguyên liệu. Trước họ trồng lúa, trồng ngô, giờ vào đây làm thì đỡ vất vả hơn nhiều”.

Thao tác làm nguyên liệu để nhuộm vải.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã phát huy được vai trò, năng lực của người phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các mô hình kinh tế tập thể này đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hội phụ nữ cũng đã đưa ra một số giải pháp để chị em vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết: “Các tổ này hiện nay đang duy trì hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay cũng gặp khó khăn trong tìm đầu ra, chúng tôi đang cố gắng kết nối với các đơn vị ở địa phương khác và trung ương để tìm đầu ra cho các sản phẩm của chị em phụ nữ”.

Sản phẩm thổ cẩm luôn được khách du lịch ưa thích.

Có thể khẳng định mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết và các hợp tác xã của phụ nữ là hướng hoạt động hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Ngoài việc tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ, còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của chị em phụ nữ, góp phần gìn giữ những nếp văn hóa truyền thống, đóng góp cho địa phương ngày càng phát triển.

Vân Anh-Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết