Laocaitv.vn - Nghề nuôi cá nước lạnh của Lào Cai phát triển mạnh và đem lại việc làm, thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như quản lý tốt các vấn đề liên quan đến nghề nuôi cá nước lạnh tại địa phương.
Khuyến khích các hộ sản xuất cá nước lạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín "từ trang trại đến bàn ăn".
Toàn tỉnh Lào Cai có trên 350 cơ sở nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), tập trung chủ yếu tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát, Văn Bàn. Thể tích nuôi trên 70.000m3, sản lượng 700 tấn/năm, đạt giá trị thu nhập khoảng 100 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Giá trị của thủy sản nước lạnh đem lại rất là lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương có cá nước lạnh. Giá trị sản xuất đạt 25 – 30 tỷ đồng/diện tích đất canh tác và góp phần cho du lịch phát triển".
Hiệp hội sản xuất cả nước lạnh được thành lập với 55 thành viên, nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh. Từ năm 2021, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cá hồi và cá tầm được thực hiện, giúp người tiêu dùng nhận diện nguồn gốc, xuất xứ. Anh Lê Trung Thức, chủ cơ sở nuôi cá nước lạnh xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: "Tem truy xuất nguồn gốc để bắn vào con cá khẳng định được nguồn gốc, xuất xứ con cá là ở Việt Nam mình, nhất là khi tình trạng cá tầm nhập lậu vẫn diễn ra".
Gắn tem truy xuất nguồn gốc vào con cá, giúp người tiêu dùng nhận diện nguồn gốc, xuất xứ.
Thực tế, nghề nuôi cá nước lạnh đang có những tồn tại, đó là chưa chủ động trong sản xuất giống do thiếu nguồn cá bố mẹ; chưa có vùng sản xuất thủy sản an toàn gắn kết với thị trường; đặc biệt là dấu hiệu tăng trưởng nóng khiến nguồn nước tự nhiên bị thiếu hụt, dễ lây lan dịch bệnh.
Trong Quy hoạch vùng nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉnh Lào Cai chủ trương không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và chế biến sâu. Việc cần làm hiện nay là quản lý chặt tại các địa phương mới phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Đối với các địa phương hiện nay mới mở rộng thì phải quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng đầu tư, để làm sao mà mà cần đối cái nguồn nước trong sản xuất".
Nâng cao vai trò của Hiệp hội nuôi cá nước lạnh, khuyến khích các hộ sản xuất cá nước lạnh qui mô nhỏ thành lập các tổ, nhóm sản xuất... Và trên hết là phải tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" để nghề cá nước lạnh của Lào cai phát triển thực sự bền vững./.
An Hồng – Xuân Anh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết