Laocaitv.vn - Trước đây phụ nữ vốn được xem là yếu thế trong xã hội thì nay đã hoàn toàn khác, đặc biệt là chị em phụ nữ ở vùng cao, tự tin, mạnh dạn, tự khẳng định vai trò, vị thế của mình trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Laocaitv.vn - Trước đây phụ nữ vốn được xem là yếu thế trong xã hội thì nay đã hoàn toàn khác, đặc biệt là chị em phụ nữ ở vùng cao, tự tin, mạnh dạn, tự khẳng định vai trò, vị thế của mình trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gia đình chị Đót chuyển sang trồng quế để phát triển kinh tế gia đình.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, gia đình chị Vũ Thị Đót, thôn Nậm Giàng, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà đã nhanh chóng chuyển đổi nghề. Thay vì chăn nuôi lợn, chị Đót đã chuyển sang trồng quế. Gần 6 vạn cây quế đã được trồng sẽ giúp gia đình chị khai thác tối đa diện tích đất đồi, nâng độ tán che phủ rừng và sẽ có thu nhập trong những năm tới. Trước mắt, gia đình chị vẫn nuôi gà và chim cút để gia tăng thu nhập. Chị Đót chia sẻ: “Lợn chết hết rồi, chị em trong tổ nhóm cũng họp nhau lại, tất cả chị em chuyển đổi sang trồng cây. Một số nhà trồng cây lát, cây quế, nuôi gà, chim cút. Lý do để chúng tôi mạnh dạn thực hiện, là vì chúng tôi được học các lớp tập huấn của dự án. Chị em tự tin hơn”.
Tự tin, mạnh dạn, đưa ra quyết định và có giải pháp để thực hiện quyết định thành công. Đó không chỉ giúp thay đổi trong tư duy mà còn giúp thay đổi cả một hệ ý thức vẫn tồn tại lâu nay trong cộng đồng về vai trò của phụ nữ. Có kỹ năng, phụ nữ cũng tạo ra nhiều sáng kiến cấp cộng đồng nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao thu nhập. Chị Lèng Thị Lập, người dân tộc Nùng, ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để nuôi gà đen. Thời gian đầu, chị Lập cũng bị chồng và gia đình phản đối nhưng khi mạnh dạn chuyển đổi kinh tế hiệu quả, nhìn nhận của gia đình cũng đã thay đổi. Chị Lập chia sẻ: “Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát là tôi chuyển hoàn toàn sang nuôi gà. Công việc rất nhiều nên 2 vợ chồng cùng làm thì mới hết việc. Mỗi lứa gà chúng tôi cũng lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng”.
Chị Lập mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi gà đen.
Bà Phạm Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bảo Thắng cho biết: “Tỷ lệ phụ nữ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ ngày càng đông, toàn huyện là 35%, cao nhất là xã Xuân Quang có 50% phụ nữ tham gia ban chấp hành, thấp nhất là xã Phong Niên 17%. Bên cạnh đó, chị em tích cực tham gia các lớp nâng cao trình độ. 100% chủ tịch các xã, thị trấn đạt chuẩn về bằng cấp”.
Thực tế cho thấy, phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng cao, dân tộc thiểu số là nhóm có rất nhiều tiềm năng khởi nghiệp. Nếu các tiềm năng này được khơi gợi và tạo điều kiện thuận lợi thì phụ nữ sẽ có khả năng vươn lên làm kinh tế và khẳng định vị thế của mình. Điển hình như chị em phụ nữ ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà và Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đang thực hiện có hiệu quả các sáng kiến cấp cộng đồng. Bằng chứng là nếu không nuôi được lợn do dịch tả châu Phi thì các gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang cách làm ăn mới, như nuôi gà, nuôi ngan, làm măng ớt, trồng dâu nuôi tằm, nuôi chim cút... tất cả đang góp phần tạo nên cuộc sống khấm khá cho khu vực nông thôn.
Ngọc Hà - Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết