Theo Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, thì đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên quy hoạch phát triển 10 chủng loại cây dược liệu có thế mạnh về thị trường tiêu thụ, như: Đương Quy, Xuyên Khung, Actiso, Đan Sâm, Tam Thất…Trên cơ sở khai thác, phát huy thế mạnh, điều kiện khí hậu của từng vùng, miền, dự kiến sẽ phát triển mới trên 1 nghìn 200 ha cây dược liệu trong giai đoạn này. Đến năm 2030, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại, với vùng nguyên liệu dự kiến khoảng 3 nghìn 800 ha.
Cùng với quy hoạch, tỉnh cũng ban hành một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư vào sản xuất dược liệu, như: miễn giảm, hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hái. Các dự án trồng cây dược liệu được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống…
Cây Đương Quy sinh trưởng tốt tại các xã vùng cao huyện Bát Xát.
Được biết, trong Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 350ha tại các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai và Văn Bàn... Đây được xem là những chính sách tổng thể từ quy hoạch phát triển vùng trồng đến khuyến khích các hộ dân, đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn theo hướng bền vững, nhằm khai thác thế mạnh của địa phương và mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết