Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi

13:57 22-02-2019 | :842

Laocaitv.vn - Theo thông báo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 19/2/2019 đã phát hiện 3 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dịch tả lợn Châu Phi.

Tại Lào Cai, bệnh dịch này có nguy cơ cao lây lan vào địa bàn do chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi lớn, các biện pháp phòng bệnh chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục; việc giết mổ, buôn bán, tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ lợn gia tăng; lượng khách du lịch vào địa bàn lớn; việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn và sản phẩm lợn từ Trung Quốc và các địa phương trong nước đang có dịch vào địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ; nguy cơ mầm bệnh có thể trôi theo sông suối hoặc theo chim di cư...

Trước tình hình trên, để chủ động ngăn chặn, ứng phó hiệu quả với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại cơ sở, hộ chăn nuôi và báo cáo ngay tình hình lợn ốm, lợn chết với lực lượng chức năng để lấy mẫu xét nghiệm; không để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc chậm phát hiện dịch bệnh; thực hiện quản lý, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh không lây sang người, hiện nay chưa có thuốc chữa và chưa có vắc xin phòng bệnh, khi lợn mắc bệnh là chết và chết không ồ ạt; đồng thời yêu cầu các cơ sở, người nuôi lợn chủ động áp dụng các biện pháp vệ sinh sinh học; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh, mua con giống không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thứa ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín… Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiên, dụng cụ ra vào trang trại; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi, khu vực xung quanh, trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trang trại. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết định thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tổ kiểm soát cơ động theo quy định; thực hiện kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (nhất là từ lợn) ra vào hoặc đi qua địa bàn, xử lý vi phạm tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép theo quy định, phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời theo thẩm quyền khi cần thiết. Tăng cường thực hiện các biện pháp chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, bảo hộ sinh học đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu giám sát xét nghiệm bệnh dịch theo hướng dẫn của Cục Thú y. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn động vật, sản phẩm động vật nhập lậu vào địa bàn; chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đơn vị trong toàn lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các bến bãi, khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới, chợ biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, thu giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc mua bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

Tiến Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết