Sa Pa hỗ trợ chế biến dược liệu

15:58 28-10-2022 | :326

Laocaitv.vn - Với những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Sa Pa được mệnh danh là thủ phủ của dược liệu với nhiều loại cây quý hiếm. Tuy nhiên, quy trình canh tác, chế biến còn nhỏ lẻ, manh mún khiến giá trị cây dược liệu chưa cao. Bởi vậy, việc chế biến sâu, nâng cao giá trị cây trồng này là cần thiết, nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Hơn 10 năm gắn bó, trải qua nhiều khó khăn, giờ đây, ông Trần Thanh Thuỷ đã bước đầu thành công với mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu. Từ thuốc tắm người Dao đỏ, thuốc xoa bóp, ngâm chân… đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Các sản phẩm này được đăng ký thương hiệu và tiêu thụ khắp thị trường trong nước thông qua các kênh phân phối. "Trước đây, chỉ đun nấu sử dụng trong ngày, đến nay công nghệ có thể sử dụng bảo quản 2 năm. Chúng tôi là người đi đầu để nâng cao giá trị cây thuốc, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân", ông Trần Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Hùng Dũng cho biết.

 Thị xã Sa Pa phấn đấu đến năm 2025 có 400 ha cây dược liệu.

Thị xã Sa Pa hiện có 210 ha với hơn 20 loại cây dược liệu như: atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và một số loại cây phục vụ chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đến nay, hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguồn dược liệu tại địa phương, mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm. "Các hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người dân là mục tiêu đầu tiên. Khi người dân có việc làm, có thu nhập thì người dân sẽ tích cực giữ rừng", ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa nói.

Qua nghiên cứu, đánh giá, cây dược liệu trồng tại Sa Pa có chất lượng tốt và hàm lượng dược tính cao hơn so với các địa phương khác. Thị xã phấn đấu đến năm 2025 có 400 ha cây dược liệu và hướng đến trở thành vùng trồng trọng điểm của tỉnh, trong đó tập trung vào các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, atiso, giảo cổ lam, tam thất... Ngoài việc đẩy mạnh quy hoạch, mở rộng diện tích, tạo sinh kế bền vững cho người dân, địa phương này đang tập trung nâng cao giá trị cây dược liệu. 

Cùng với mở rộng sản xuất, Sa Pa cũng đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu; tăng cường thu hút doanh nghiệp; khai thác hiệu quả và bảo tồn cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế và y dược.

Trung Kiên - Xuân Anh 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết