Sản xuất gắn với công nghệ chế biến sâu mang lại cơ hội cho sản phẩm đặc hữu Lào Cai

09:35 05-10-2022 | :465

Laocaitv.vn - Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng với các yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Lào Cai có nhiều sản phẩm đặc hữu có giá trị cao. Nhằm khai thác tốt thế mạnh trên, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, nhiều sản phẩm được chế biến sâu, từ đó nâng cao hơn giá trị kinh tế, tạo thành hàng hóa tiêu thụ tốt trên thị trường.

Vùng lúa Mường Vi nhiều năm nay cấy chủ yếu là giống lúa Séng cù (ảnh trên). Một năm 2 vụ, vụ xuân 160 ha, vụ mùa 225 ha. Sản lượng trên 22.000 tấn/năm, mang lại giá trị khoảng 32 tỷ đồng cho nông dân. Với sự vào cuộc của "4 nhà", người dân đã thực hiện sản xuất lúa theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ thu mua, chế biến, nâng tầm hạt thóc Séng cù. Ông Nguyễn Anh Tuyển, Giám đốc Công ty TNHHTM quốc tế Tiên Phong, huyện Bát Xát cho biết: “Công ty chúng tôi rất là cố gắng đầu tư từ hệ thống máy sấy đặt tại xã Mường Vi, vùng nguyên liệu chính của tỉnh. Còn dây chuyền xay xát chúng tôi đặt tại thị trấn Bát Xát. Dây chuyền xay xát của chúng tôi đóng ra những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, đảm bảo hình thức mẫu mã”.

Dây chuyền chế biến của Công ty TNHH thương mại quốc tế Tiên Phong trị giá gần 2 tỷ đồng. Qua 7 công đoạn, từ hạt thóc tươi trở thành hạt gạo thành phẩm đạt tiêu chuẩn cao. Với công suất 2 tấn sản phẩm/ngày, Công ty đã cùng với các doanh nghiệp khác đảm bảo đầu ra cho vùng lúa Mường Vi. Ông Trần Văn Hiến, thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: “Trước khi chưa có doanh nghiệp về thì thóc lúa phơi không được tốt cho lắm. Từ ngày có doanh nghiệp về thì thóc sấy, có các kinh nghiệm về chăm sóc cây lúa, năng suất tốt hơn và bán dễ dàng hơn. Thu nhập của gia đình tôi so với trước thì cũng tăng lên nhiều, gấp đôi lần những năm trước”.

Từ khi có thương hiệu sản phẩm OCOP giá trị của gạo Séng cù đã được nâng cao.

Ông Tần Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: "Đối với giống lúa Séng cù này, trước đây mặt hàng chưa có thương hiệu sản phẩm OCOP giá trị sản phẩm rất là thấp, nhưng sau khi được đánh giá, các công ty doanh nghiệp vào làm sản phẩm OCOP, đến thời điểm hiện tại được đánh giá 4 sao... Giống lúa khi được sản xuất bán ra thị trường giá cả cao hơn". 

Toàn xã Mường Vi có trên 500 hộ, đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Thấy được giá trị cao của giống lúa Séng cù nên nhiều năm nay, bà con tập trung thâm canh giống lúa này. Khi có các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến, tham gia liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm thóc cho bà con, hiệu quả kinh tế của vùng lúa càng được nâng lên và tạo thành sự phát triển bền vững./.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết