Laocaitv.vn - Chè và trẩu là hai loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Khi hai loại cây này kết hợp trồng trên cùng một diện tích canh tác sẽ đem lại lợi nhuận kép cho nông dân. Mô hình kinh tế nông lâm kết hợp mới này đang được triển khai tại huyện Mường Khương.
Máy định vị vệ tinh GPS sẽ được dùng để đo diện tích đất trồng chè – kết hợp trẩu của mỗi hộ, đảm bảo không bị chồng lấn với đất rừng phòng hộ. Tư vấn thiết kế sử dụng máy, cùng với bà con thực hiện đo từng lô đất, từng quả đồi, giúp các hộ, tổ nhóm quản lý vùng chè bằng công nghệ số trong tương lai. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiến tới cấp mã vùng trồng khi hồ sơ đã được xác lập chính xác từ đầu.
Ông Pờ Sin Củi, thôn Sa Pả 10, thị trấn Mường Khương chia sẻ: "Lực lượng chức năng đi đo, phát nương xong mới cấp giống chè cho. Đo bằng máy, mình phải đi theo họ xem ranh giới ấy, phải mất nửa ngày".
Chị Hoàng Thị Dín, thôn Lũng Pâu, xã Tung Chung Phố cho biết thêm: "Mình phải cùng họ đi đo đến đâu thì mới biết lấy số lượng bao nhiêu giống chè. Cây cách cây 45 đến 50 cm. Hàng cách hàng 1,5 đến 1,7 m. Cây trẩu trồng thì sau này làm bóng mát cho cây chè".
Ứng dụng GPS đo diện tích vùng chè: Hướng tới quản lý số và cấp mã vùng trồng tại huyện Mường Khương
Dự án “Mô hình sinh kế nông lâm kết hợp góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường tại các xã biên giới huyện Mường Khương” do Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công – Lan Thương tài trợ. Dự án nhằm tạo ra nguồn sinh kế bền vững, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và hình thành các liên kết giữa người dân - doanh nghiệp. Hiện có 6 xã biên giới tham gia dự án, các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật được hướng dẫn, đồng thời được hỗ trợ thành lập các tổ nhóm liên kết sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vương Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố cho biết: “Xã cũng lựa chọn những thôn có địa hình phù hợp, tập trung ở một khu, tiện chăm sóc, quản lý. Các hộ đăng ký và viết đơn tình nguyện tham gia dự án. Bà con cũng mong muốn sau này tạo được sản phẩm, không phải lo vấn đề tiêu thụ”.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết thêm: “Đây là một dự án không những mang lại tác động về mặt kinh tế - xã hội mà còn là minh chứng cho tình hữu nghị Việt – Trung. Đảm bảo chúng ta có thể quản lý bền vững, từ truy xuất vùng trồng, quá trình sản xuất chế biến, thu mua, tiêu thụ và tiến tới tạo ra sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ”.
Những mầm chè non trên đất mới.
Dự án nông lâm nghiệp kết hợp được thực hiện góp phần tạo nguồn sinh kế bền vững, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cho người dân khu vực biên giới. Bằng việc tiếp cận các quy trình sản xuất, năng lực quản lý tiên tiến, nông dân Mường Khương đang tiến tới làm giàu từ cây trồng chủ lực như chè với diện tích lên đến gần 6.000 ha.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết