Tạo bước đột phá trong sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao

10:54 26-07-2019 | :895

Laocaitv.vn - Lào Cai đặt mục tiêu duy trì khoảng 1.000 ha chè chất lượng cao vào năm 2020. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè, các địa phương đang tích cực trồng mới cây chè bằng giống chất lượng cao, đầu tư thâm canh, cải tạo nương chè theo các tiêu chuẩn an toàn. Đây là điều kiện để người trồng chè tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Lào Cai đặt mục tiêu duy trì khoảng 1.000 ha chè chất lượng cao vào năm 2020

Là cây trồng mới, lại chưa nắm vững kỹ thuật nên anh Trưởng Xuân Hạnh, thôn Gia Mải, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên tốn khá nhiều công chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm. Nhưng đó là câu chuyện của 6, 7 năm trước. Hiện giờ, nhờ chăm sóc tốt, đồi chè Kim Tuyên đã cho gia đình anh nguồn thu ổn định, khoảng 8 tấn/ha. Với giá thu mua trung bình tại mọi thời điểm và không phân loại là 15.000 đồng/kg thì bà con trồng chè có thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha. Anh Hạnh chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi trồng sắn, cả năm mới thu 1 lần, không kinh tế bằng trồng chè, cây chè cho thu theo tháng, không phải chăm sóc nhiều chỉ làm cỏ thôi, đến vụ là thu hái".

Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, diện tích chè toàn tỉnh hiện là 6.113 ha, trong đó có khoảng 500 ha chè chất lượng cao đang cho thu hoạch. Chè chất lượng cao sử dụng giống an toàn, sạch bệnh, các khâu làm đất, chăm sóc, thu hái, chế biến đều tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề cần được quan tâm lúc này là đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng của vùng ứng dụng công nghệ cao. Bà Hà Thị Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mường Hoa cho biết: "Bà con bỏ đất, bỏ công, công ty cung cấp giống, phân, sau đó công ty hợp đồng thu mua. Công ty đang thực hiện trồng chè hữu cơ, khoảng 20 ha, chắc chắn giá chè sẽ cao hơn, lên khoảng 30.000 đến 40.000/kg".

Ông Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Phong Hải cho biết: "Chúng tôi đã quy hoạch được 2 vùng chuyên sản phẩm chè OCOP. Chúng tôi đang dần hướng dẫn bà con về thâm canh, chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, đưa những thiết bị nông cụ tiên tiến, hiện đại hơn để bà con thâm canh thuận lợi".

Nhận thức được cây chè có giá trị nên các hộ dân đã tự giác chuyển đổi từ trồng cây ngô sang trồng cây chè

Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020, tổng sản lượng chè búp tươi sẽ đạt khoảng 40.000 tấn/năm, trong đó, diện tích chè chất lượng cao sẽ tiếp tục được duy trì tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng và Sa Pa, mục tiêu là phát triển diện tích chè chất lượng cao đạt 1.205 ha vào năm 2020. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết: "Trồng chè chất lượng cao thì giá trị thu được sẽ gấp 5 lần trở lên đối với cây sắn, cây ngô. Đối với các vùng mà hiện nay đang trồng ngô trên địa bàn tỉnh như: Mường Khương, Bát Xát..., đang thay thế dần sang cây chè. Năm nay thời tiết trồng chè rất phù hợp, đặc biệt bà con nhận thức được cây chè có giá trị nên rất tự giác trồng".

Lào Cai tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân trồng chè có chất lượng, cụ thể, hỗ trợ tổ, nhóm nông dân trồng chè ứng dụng công nghệ cao tối thiểu là 10 ha; hỗ trợ chuyển giao, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác; đồng thời, nâng suất hỗ trợ đầu tư trồng mới đối với diện tích chè ứng dụng công nghệ cao lên đến 30 triệu đồng mỗi ha. Đây là những điều kiện cần thiết để Lào Cai phát triển bền vững diện tích chè chất lượng cao, tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết