Laocaitv.vn - Theo thông tin do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cung cấp thì từ đầu năm đến nay Lào Cai có gần 12.600 phụ nữ, trẻ em đi làm xa. Bên cạnh yếu tố tích cực là mang thu nhập về cho gia đình, phụ nữ đi làm xa có thể kéo theo những hệ lụy về vấn đề xã hội. Chính vì thế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động phụ nữ đang được các cấp hội đặc biệt quan tâm.
Nhiều phụ nữ dân tộc Dao ở xã Tả Phìn có thu nhập ổn định từ trồng cây tía tô.
30 ha tía tô này đã mang lại sinh kế cho nhiều phụ nữ dân tộc Dao ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa khi tham gia vào hợp tác xã trồng và chế biến cây dược liệu tại địa phương. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi ha cho sản lượng 20 tấn, giá bán bình quân 12.000 đồng/kg có thể cho thu nhập 240 triệu đồng. Đây là sinh kế hiệu quả cho chị em trong vùng. Bà Phàn Tả Mẩy, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: "Mình già rồi, không đi được xa, làm ở đây thì rất là thuận tiện. Lúc nào đi khám bệnh mình vẫn có tiền".
Còn tại xã Bản Sen, huyện Mường Khương, từ khi xưởng chế biến chè này ra đời, nhiều người không nghĩ đến việc đi làm ăn xa như trước. Một số xin vào làm trong xưởng, nhiều người thì tính toán mở rộng diện tích chè, bởi việc tiêu thụ giờ đã thuận lợi hơn. Bà Trần Thị Cúc, thôn Na Phả, xã Bản Sen, huyện Mường Khương cho biết: "Trước kia thì cũng có nhiều trắc trở, có lúc họ mua, lúc thì không. Chưa có nhà máy, có khi đến lứa chè lại phải nghỉ 1 - 2 ngày, vì họ không thu mua. Có nhà máy này bà con cũng rất phấn khởi".
Bà Cúc (trái ảnh) rất phấn khởi khi có xưởng chế biến chè tại địa phương.
Những sinh kế ngay tại địa phương như vừa kể trên nếu được nhân rộng, sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu số phụ nữ đi làm ăn xa. Giúp họ yên tâm lao động, phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Đặc biệt, các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có vai trò rất quan trọng. Bà Trương Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường Khương cho biết: "Mới đây các chị em cũng ra mắt hợp tác xã trồng và chế biến ớt, bước đầu chúng tôi đánh giá là rất thành công. Thành viên của tổ đều là các chị em quanh thôn".
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi cũng hỗ trợ cho chị em về vốn, và hỗ trợ cả về kỹ thuật, nhãn mác để quảng bá các sản phẩm ra ngoài thị trường để giúp chị em tự tin phát triển sản xuất".
Hiện toàn tỉnh có 25 hợp tác xã, tổ hợp tác do các cấp hội phụ nữ hỗ trợ thành lập với gần 340 thành viên. Các cấp hội phấn đấu từ nay đến năm 2030 củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho ít nhất 20 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác của phụ nữ. Với nhiều giải pháp tích cực để tạo việc làm tại chỗ sẽ góp phần để phụ nữ yên tâm lao động, sản xuất tại quê hương, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và xã hội.
Thu Hường – Nông Quý – Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết