Thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa

17:07 18-02-2022 | :402

Laocaitv.vn - Từng bước ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao giá thành, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai phối hợp với doanh nghiệp thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA đối với một số cây trồng hàng hóa tại huyện Bảo Yên.

Hai loại cây trồng chủ lực sử dụng thí điểm chế phẩm sinh học EMINA là cây chè và cây quế.

2 loại cây trồng hàng hóa chủ lực của huyện Bảo Yên sử dụng thí điểm chế phẩm sinh học EMINA là cây chè và cây quế, quy mô 2 ha tại xã Xuân Hòa và Vĩnh Yên. Mô hình nhằm giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng đối với cây chè và cây quế. Tạo ra sản phẩm an toàn và từng bước hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ưu tiên các dòng sản phẩm và chế phẩm sinh học để phục vụ cho các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm đảm bảo chất lượng hữu cơ".

Ông Nguyễn Quý Đạt, Giám đốc Công ty Cổ phần EMI – Nhật Bản nói: "Sử dụng chế phẩm vi sinh Emina thứ nhất là nó giảm chi phí đầu vào, thứ 2 là tăng năng suất và hiệu quả kinh tế và bà con cũng sẽ nhận thấy các vấn đề liên quan đến sức khỏe của mình. Khi sử dụng thuốc phun cho cây chè, cây quế thì người ta cũng sẽ cảm thấy khỏe hơn".

Chế phẩm sinh học EMINA giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng đối với cây chè và cây quế.

Đối với cây chè, việc sử dụng chế phẩm sinh học EMINA sẽ giúp cây nhiều búp và bật búp nhanh hơn. Nhờ vậy có thể tăng thêm lứa hái và tăng năng suất. Ưu điểm nổi trội nữa là những nhóm vi sinh vật có trong chế phẩm EMINA có tác dụng cải tạo đất rất tốt và có thể diệt trừ 80% các đối tượng sâu bệnh trên cây chè và cây quế. Anh Triệu Xuân Luý, thôn Bản Nhàm, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên cho biết: "Rất nhiều người trong này được đi tập huấn trồng chè hữu cơ rồi nhưng cách làm thì chúng tôi cũng chưa nắm cụ thể. Vừa rồi có công ty hướng dẫn về cách pha chế, cách phun của phân sinh học nên tôi nghĩ là sẽ làm được". Anh Hoàng Văn Hiện, thôn Pác Mạc, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên tâm sự: "Nếu mà bệnh nó khỏi, không tái phát nữa thì dân sẽ nghe các bác để đầu tư mua trị bệnh, vì dân đi làm cả ngày, thu nhập chỉ trông vào cây quế này thôi".

Tới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số địa phương khác, nhằm đạt được mục tiêu tạo ra nông sản an toàn, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

 An Hồng – Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết